Đằng sau vẻ hào nhoáng của Harvard: Tỷ lệ sinh viên tự tử cao nhất nước Mỹ
Tự tử là một vấn đề phức tạp và để lại hệ lụy tàn khốc đến các cá nhân,ĐằngsauvẻhàonhoángcủaHarvardTỷlệsinhviêntựtửcaonhấtnướcMỹbd bxh anha gia đình và cộng đồng trên toàn cầu.
Thật không may, Đại học hàng đầu thế giới Harvard lại có tỷ lệ sinh viên tự tử thuộc top cao nhất trong số các trường đại học ở Mỹ.
Trung bình 6 vụ tự tử/năm
Theo báo cáo năm 2019 của Harvard Crimson (Thời báo Sinh viên thường nhật của Đại học Harvard), ít nhất 6 sinh viên Harvard đã tự tử trong năm học 2018-2019. Con số này nhất quán với những năm trước, vì trường có trung bình 6 vụ tự tử/năm trong thập kỷ qua.
Tỷ lệ tự tử ở Harvard cũng cao hơn mức trung bình toàn nước Mỹ. Theo Hiệp hội Sức khỏe Đại học Mỹ, tỷ lệ tự tử của sinh viên cả nước là 7.5/100.000 vào năm 2019.
Trong khi đó, tỷ lệ tự tử của sinh viên Harvard vào khoảng 10.3/100.000.
Đáng chú ý, những thống kê này chỉ phản ánh các vụ tự tử được báo cáo. Số liệu thực tế có thể cao hơn.
Một số sinh viên không thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Các em không thể chia sẻ tình trạng khó khăn về sức khỏe tâm thần của mình với ai. Vì vậy, một số trường hợp tử vong không được coi là tự tử.
Không có nguyên nhân đơn lẻ, tự tử do cộng hưởng từ nhiều áp lực
Không có nguyên nhân đơn nhất dẫn đến tự tử. Hoàn cảnh của mỗi cá nhân là duy nhất.
Một số yếu tố có thể góp phần vào tỷ lệ tự tử cao ở Harvard bao gồm:
Áp lực học tập khủng khiếp
Đại học Harvard được biết đến với các tiêu chuẩn học thuật khắt khe. Sinh viên phải đối mặt với áp lực rất lớn để thành công.
Giá trị bản thân các em gắn liền với thành tích học tập. Điều này có nghĩa các em sẽ cảm thấy mặc cảm và sa sút nếu thất bại ở thành tích trên lớp.
Ngoài ra, sự cạnh tranh và áp lực từ bạn bè đồng trang lứa (peer pressure) diễn ra rất gay gắt. Điều này góp phần tạo ra cảm giác bị cô lập và kém cỏi.
Văn hóa cầu toàn và chủ nghĩa xuất sắc
Văn hóa tại Harvard hay nhiều trường đại học ưu tú khác nhấn mạnh chủ nghĩa hoàn hảo và theo đuổi sự xuất sắc.
Mặc dù phấn đấu để trở nên xuất sắc có thể là một động lực tích cực, nhưng nó cũng hàm chứa những mặt trái. Đó là chu kỳ tự phê bình và nghi ngờ bản thân không bao giờ chấm dứt.
Sinh viên phải hoàn hảo trong mọi khía cạnh của cuộc sống, từ học tập trên lớp đến các hoạt động ngoại khóa và sinh hoạt xã hội.
Áp lực phải vượt trội này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và góp phần gây ra cảm giác căng thẳng và lo lắng cao độ.
Khoảng cách xã hội
Harvard là một trường đại học đa dạng, tuy vậy, sinh viên có thể khó kết nối với nhau.
Môi trường học thuật cạnh tranh cùng với những kỳ vọng cao đối với sinh viên có thể khiến việc hình thành các kết nối xã hội hay xây dựng một hệ thống hỗ trợ trở nên khó khăn.
Sinh viên có thể cảm thấy đơn độc trong hành trình của mình và không ai thấu hiểu.
Thành lập lực lượng đặc nhiệm về sức khỏe tâm thần
Tỷ lệ tự tử cao ở Harvard đã khiến trường phải hành động để giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần cho các sinh viên.
Năm 2014, Harvard đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm về sức khỏe tâm thần (MHTF). MHTF bao gồm một nhóm sinh viên, giảng viên và nhân viên chuyên giải quyết, cải thiện dịch vụ sức khỏe tâm thần trong khuôn viên trường.
Năm 2018, MHTF đã thực hiện một cuộc khảo sát để đánh giá nhu cầu về sức khỏe tâm thần của sinh viên Harvard.
Cuộc khảo sát cho thấy 26% sinh viên đã từng có ý nghĩ tự tử vào một thời điểm nào đó. Nhóm sinh viên LGBTQ+ và những sinh viên thuộc chủng tộc hoặc dân tộc thiểu số có xu hướng gặp phải những thách thức về sức khỏe tâm thần nhiều hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. |
Dựa trên kết quả đó, MHTF đã đề xuất và tiến hành một số giải pháp như sáng kiến "Let's Talk" (Hãy cùng trò chuyện) cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần tại nhiều địa điểm khác nhau quanh khuôn viên trường; thiết lập đường dây nóng 24/7 để hỗ trợ ngay lập tức cho các sinh viên gặp khủng hoảng hay triển khai các chương trình đào tạo dành cho giảng viên và nhân viên để nhận biết và ứng phó với các mối lo ngại về sức khỏe tâm thần của sinh viên.
Dẫu biết "có áp lực mới có kim cương", việc nhà trường nhanh chóng phát hiện, bạn bè chung tay giúp đỡ lẫn nhau và mỗi cá nhân tìm đến để được hỗ trợ sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng đáng buồn này.
Số liệu cập nhật về số vụ tự tử của sinh viên Harvard những năm gần đây chưa được công bố. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ(CDC), tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở những người trong độ tuổi 10-24 tại nước này. Năm 2019, tỷ lệ tự tử của những người trong độ tuổi 15-24 là 14.5/100.000. Trong khi đó, tỷ lệ tự tử ở thanh niên trong độ tuổi 20-24 cao hơn, ở mức 17.8/100.000. |
Tử Huy