Doanh nghiệp công nghệ giáo dục New Zealand tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam
Chuyến thăm được tổ chức bởi Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ),ệpcôngnghệgiáodụcNewZealandtìmkiếmcơhộiởViệchùa cây thị hướng đến thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực EdTech, đồng thời thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng của các công ty EdTech New Zealand với thị trường mới nổi, giàu tiềm năng phát triển như Việt Nam.
Theo ENZ, New Zealand đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể của lĩnh vực EdTech. Theo đó, hơn 70% doanh nghiệp EdTech của New Zealand đã có sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, bao gồm: Hoa Kỳ, Úc, Trung Đông, châu Á, châu Âu, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, đoàn các công ty công nghệ giáo dục New Zealand có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cung cấp đa dạng giải pháp giáo dục như: khoa học thần kinh, giáo dục sớm hay học tiếng Anh qua phim ảnh cho đối tượng học sinh trung học và người trưởng thành.
Bà Alana Pellow - Giám đốc Phát triển Kinh doanh phụ trách mảng EdTech của ENZ cho hay: “Đổi mới công nghệ đã trở thành một phần tất yếu trong ADN của người Kiwi. Trên phạm vi toàn cầu, chúng ta đã biết đến thành công của các công ty thiết kế hiệu ứng hình ảnh kỹ thuật số New Zealand qua các sê-ri điện ảnh Lord of the Rings hay Avatar. Trên thực tế, tiềm lực của chúng tôi còn hơn thế nữa. Việc nằm tách biệt với thế giới về phía Tây Nam Thái Bình Dương đã thôi thúc chúng tôi trở thành những người tiên phong đổi mới”.
Bà Alana Pellow nhấn mạnh, con người New Zealand luôn dồi dào tinh thần sáng tạo, óc thực tế, và sẵn sàng đối mặt với những thách thức. Chính những điều ấy đã tổng hòa, tạo nên tố chất của “người phát kiến”: góc nhìn độc đáo, năng lượng sáng tạo, khả năng đưa ra cách giải quyết mới từ những vấn đề cũ.
Tinh thần đổi mới sáng tạo của người New Zealand đã đưa quốc đảo 5,2 triệu dân này liên tục lọt vào bảng xếp hạng các quốc gia có môi trường khởi nghiệp và kinh doanh dễ dàng nhất theo báo cáo từ World Bank. Đồng thời, đất nước này cũng đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Kinh tế do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) công bố trong năm 2023.
Chính tỷ lệ người dân tiếp cận Internet tại Việt Nam lên đến gần 78 triệu người đã thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt là New Zealand.
Chia sẻ về mối quan tâm với các cơ hội hợp tác tại thị trường Việt Nam, ông Ben Burrowes - Giám đốc khu vực Châu Á của ENZ cho biết: “Bên cạnh chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới, New Zealand cũng được biết đến với những sáng kiến công nghệ nổi bật. Sự kết hợp giữa hai thế mạnh này đã làm nên nét độc đáo và lợi thế cạnh tranh cho các công ty EdTech New Zealand. Qua chuyến công tác lần này, chúng tôi đặt mục tiêu tìm hiểu sâu về bối cảnh giáo dục tại Việt Nam và thiết lập mối quan hệ hợp tác với những cơ quan, đơn vị giáo dục tại đây”.
Trong thời gian tại Việt Nam, đoàn đã gặp gỡ và trao đổi với hơn 20 đối tác, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị giáo dục và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái EdTech tại Việt Nam nhằm có cái nhìn sâu rộng hơn về môi trường giáo dục Việt Nam.
Trong bối cảnh quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước New Zealand và Việt Nam đang không ngừng mở rộng những năm gần đây, chuyến công tác của đoàn hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng để thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị giáo dục và doanh nghiệp EdTech hai nước. Với nền tảng hợp tác bền chặt đã được thiết lập, trong tương lai, người học Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận những nội dung giáo dục chất lượng nhờ công nghệ, góp phần thúc đẩy bình đẳng trong giáo dục và phát triển thế hệ công dân số sẵn sàng hội nhập toàn cầu.
Bích Đào