IMSO là kỳ thi về Toán và Khoa học dành cho học sinh dưới 13 tuổi trên toàn thế giới. Năm nay,ữsinhlớpởHàNộigiànhhuychươngvàngToánquốctếngày âm hôm nay Việt Nam cử 24 học sinh tham dự ở hai môn Toán và Khoa học, mỗi môn 12 em. Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 7, Trường Phổ thông liên cấp Olympia là một trong 6 thí sinh Việt Nam giành huy chương vàng ở môn Toán. Đây cũng là lần thứ hai Thảo giành huy chương tại kỳ thi này.
“Dù còn tiếc nuối ở một số câu hình học nhưng em vẫn thấy rất vui vì đã đổi được màu huy chương”, Thảo nói.
Từ nhỏ, Phương Thảo đã bộc lộ khả năng tiếp thu rất nhanh và luôn tò mò với những thứ mới lạ. Vì thế, nữ sinh được bố mẹ tạo điều kiện cho thử sức ở nhiều lĩnh vực. Ngoài những trải nghiệm học tập, Thảo còn được tiếp xúc với các cuộc thi để cọ xát, rèn luyện bản lĩnh và chinh phục những kiến thức mới.
Trong quá trình khám phá sở thích của bản thân, Thảo nhận ra mình có niềm đam mê với môn Toán. “Toán học có nhiều điều rất thú vị. Em thích việc được suy ngẫm và tìm ra nhiều lời giải cho một bài toán khó. Ngoài ra, Toán học cũng được áp dụng trong các lĩnh vực của cuộc sống, chẳng hạn như tính toán lãi suất ngân hàng”, Thảo nói.
Cũng vì đam mê, trong suốt 5 năm tiểu học, Thảo đã tham dự nhiều kỳ thi Toán quốc tế phổ biến và đều giành huy chương. Trên hành trình “chinh phục” toán học của Thảo luôn có bố đồng hành. “Trước đây, bố cũng theo học chuyên Toán, vì thế, hai bố con thường cùng nhau ngồi giải và tranh luận về những bài toán khó. Nhờ có bố đồng hành, em cảm thấy việc học Toán càng trở nên thú vị”.
Dẫu vậy, ở cuộc thi IMSO năm ngoái, Thảo lại lựa chọn đăng ký dự thi môn Khoa học để thử sức và có thêm những trải nghiệm mới. Giành tấm huy chương bạc, nữ sinh có phần tiếc nuối vì kết quả chưa được như kỳ vọng. Vì thế năm nay, Thảo quyết định lựa chọn môn Toán vì đã có nền tảng vững chắc. Với việc quay lại môn vốn là thế mạnh, nữ sinh kỳ vọng lần này sẽ đổi được màu huy chương.
Kỳ thi IMSO năm nay được đẩy sớm hơn gần hai tháng so với thông lệ. Điều này khiến việc ôn tập trở nên gấp gáp hơn. Thảo chỉ có vỏn vẹn 5 tuần để ôn luyện cho vòng quốc gia và 2 tuần ôn cho vòng quốc tế. Cô Đặng Ngọc Mỹ Anh, Phó chủ nhiệm lớp 7H3 và cũng là người đồng hành ôn tập cùng Thảo, cho hay cả cô và trò đều phải quyết tâm “dồn toàn lực” cho kỳ thi này.
Thảo thường “gặp khó” trong các câu hỏi liên quan đến hình học. Do đó, vừa hướng dẫn học trò tìm tòi thêm phương pháp giải cho các nội dung đại số, cô Mỹ Anh cũng phải hỗ trợ trò vượt qua các dạng bài chưa quen ở phần hình học.
Sau khi vượt qua vòng quốc gia, Thảo được lựa chọn là thành viên của đội tuyển Việt Nam đi thi đấu tại Trung Quốc. Trong 2 tuần ôn tập gắt gao cho vòng quốc tế, ngoài cô Mỹ Anh, 3 thầy cô giáo khác trong tổ Toán cũng tham gia luyện theo chuyên đề cho Thảo. Buổi tối, em tiếp tục tự học và luyện đề ở nhà khoảng 3 - 4 tiếng.
Điều khiến Thảo cảm thấy thích thú nhất trong quá trình ôn luyện chính là những cung bậc cảm xúc khi gặp một bài toán khó. “Chẳng hạn cảm xúc hào hứng khi gặp một bài toán hay, có nhiều cách giải hay sự vỡ òa khi giải quyết được một bài toán hóc búa khiến mình phải vắt óc tìm cách giải quyết”, Thảo nói.
Cảm xúc này Thảo cũng trải qua trong vòng thi quốc tế. Đề Toán tại kỳ thi IMSO bao gồm ba phần: Trắc nghiệm viết đáp số (60 phút), Tự luận (90 phút) và Khám phá (120 phút), xoay quanh các kiến thức về đại số, hình học, tổ hợp. Theo nữ sinh, phần 3 khó nhất do đề yêu cầu thí sinh phải đưa ra nhiều lời giải cho một bài toán. Điều này khuyến khích học sinh phải tư duy đa chiều để tìm ra lời giải tốt nhất.
Không quá tự tin vào bài làm, chỉ đến khi lên bục nhận tấm huy chương vàng, Thảo mới “thở phào” vì đã kết thúc kỳ thi trọn vẹn.
Đồng hành cùng học trò trong quá trình ôn luyện, cô Mỹ Anh phần nào đánh giá được khả năng giành huy chương của Thảo. Dẫu vậy, khi biết học trò đạt được kết quả cao nhất trong cuộc thi này, cô giáo trẻ vẫn “vỡ òa” trong hạnh phúc.
Cô Mỹ Anh đánh giá, Thảo là học sinh có kinh nghiệm trong các kỳ thi, vì thế em có bản lĩnh thi cử vững vàng và tư duy nhanh nhạy. “Em luôn có hướng giải rất nhanh, luôn hào hứng với các nhiệm vụ học tập và chủ động với các kế hoạch thầy cô đề ra. Chẳng hạn, Thảo chủ động tự bấm giờ để làm bài và có năng lực tự đánh giá bản thân. Nếu phần nào cảm thấy chưa chắc chắn, Thảo sẽ chủ động đề xuất với thầy cô tìm thêm dạng bài liên quan để được làm quen và có thêm kỹ năng giải quyết vấn đề phù hợp”.
Với những kết quả đã đạt được, cô Mỹ Anh kỳ vọng đây sẽ là động lực để Thảo tiếp tục theo đuổi tình yêu và đam mê với môn Toán trong tương lai.
Việt Nam bắt đầu cử học sinh tham dự kỳ thi IMSO từ năm 2014. IMSO lần thứ 21 diễn ra từ ngày 1-6/10 tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, thu hút 300 thí sinh đến từ 18 quốc gia.
24 học sinh Việt Nam thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế năm nay đều đạt giải, trong đó 9 em giành huy chương vàng, xếp thứ hai toàn đoàn, sau Singapore. Trong đó, thành tích ở môn Toán đứng thứ nhất cùng Singapore và Khoa học đứng thứ hai, sau quốc gia này.