|
Nữ nhân viên sản xuất trong nhà máy Samsung. |
Tại Việt Nam, số lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động chiếm 45,6% lực lượng lao động của Việt Nam. Tuy nhiên đây lại là đối tượng yếu thế và dễ tổn thương hơn nam giới do không nhận được sự đối xử công bằng trong nhiều trường hợp. Đơn cử như vấn đề khoảng cách giới trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp, phụ nữ vẫn khó khăn hơn nam giới trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhất là các nhóm lao động nữ nghèo, nữ nông thôn, nữ di cư, nữ dân tộc thiểu số. Thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam còn chênh lệch, thí dụ giai đoạn 2009 - 2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn của nam, mức chênh lệch tương đương khoảng 30 USD trên tổng mức lương chưa đạt 200 USD/tháng. Mặc dù, nếu so về hiệu quả công việc, phụ nữ không thua kém gì nam giới. Thậm chí, có những công việc, phụ nữ còn làm việc hiệu quả hơn, ví dụ như tư vấn, chăm sóc, tiếp cận khách hàng, hay những công việc đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, sự thấu cảm và kỹ năng xã hội.
Ngoài ra, theo một kết quả nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế ILO về thị trường lao động Việt Nam trong 10 năm tới, những công việc có thể bị thay thế bằng hệ thống máy móc tự động hóa là việc làm có rủi ro. Những ngành có rủi ro cao nhất bao gồm: Nông - lâm - thủy sản, công nghiệp chế biến - chế tạo, bán buôn bán lẻ. Ở Việt Nam, số việc làm phụ nữ hiện đang đảm nhiệm có khả năng sẽ bị chuyển sang tự động hóa cao gần 2,4 lần so với nam giới. Điều đó đồng nghĩa với việc một lực lượng không nhỏ lao động trẻ là nữ đứng trước nguy cơ bị mất việc làm trong tương lai không xa.
Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng mở ra sự xuất hiện của nhiều công nghệ mới, robot thông minh sẽ giúp giải phóng phụ nữ khỏi rất nhiều công việc, trong đó có những công việc nội trợ, chăm sóc người già và con cái. Họ sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc học tập, phấn đấu và tìm kiếm những công việc theo đam mê của mình. Từ đó, những cơ hội việc làm mới sẽ được sản sinh ngay chính từ những thách thức và nguy cơ mất việc làm của một bộ phận nữ lao động, cùng với sự ra đời của rất nhiều mô hình kinh doanh mới, phi truyền thống nhưng thúc đẩy được lợi thế của lao động nữ. Hiện tại, rất nhiều người phụ nữ chọn cách bán hàng online tại nhà thay vì đến công ty làm việc, họ vừa chủ động được thời gian, có thể làm được công việc nhà, chăm sóc con cái mà vẫn có thu nhập, làm chủ kinh tế không bị phụ thuộc và tự tin trong cuộc sống gia đình. Như vậy, nếu nhìn nhận thấu đáo những nguy cơ tiềm ẩn và có sự chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ, những thách thức của cuộc CMCN 4.0 trong nhiều trường hợp sẽ được biến thành cơ hội để người phụ nữ tỏa sáng và chứng minh vai trò và vị thế của mình với xã hội.
Bài toán “Nâng cao quyền năng phụ nữ” thời 4.0
Ngày 15/11 tới đây, Diễn đàn Đa phương 2019 với chủ đề “Nâng cao quyền năng của Phụ nữ tại nơi làm việc trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0” sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Khó khăn, thách thức, và cả triển vọng mà CMCN 4.0 có thể đem lại cho đối tượng lao động nữ, cũng như doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung sẽ được các bên thảo luận.
Sự quy tụ đa dạng tiếng nói từ các cơ quan quản lý, các chủ doanh nghiệp, các chuyên gia đầu ngành về kinh tế, kỹ thuật công nghệ, pháp luật, bình đẳng giới… hứa hẹn sẽ đưa ra các giải pháp ban đầu đa chiều đối với công tác hoạch định chính sách nhà nước và chính sách của doanh nghiệp.
Được biết, Diễn đàn đa phương là sự kiện thường niên do Samsung khởi xướng, bắt đầu được tổ chức tại Việt Nam từ năm 2018, nhằm kết nối tri thức, nhiệt huyết, nguồn lực và năng lượng của tất cả các bên liên quan, gồm cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và khối tư nhân. Thông qua sự kiện thường niên này, các tư tưởng, giải pháp, sáng kiến được chia sẻ và thảo luận, từ đó cảm hứng hành động và năng lượng tích cực được lan tỏa, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội Việt Nam một cách hiệu quả.
Đỗ Huyền
" alt="CMCN 4.0: Liệu thách thức có thành cơ hội cho phụ nữ tỏa sáng?"/>