Hoàng hiện là sinh viên năm cuối lớp Công nghệ Chế tạo máy 2, K61 Viện Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.Hoàng chia sẻ em bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học từ tháng 8/2018 và đến tháng 6/2019 thì chính thức công bố bài báo ISI đầu tiên. Từ đó đến nay, chỉ trong 2,5 năm, Hoàng đã có 8 bài.
Nhiều người đánh giá, kết quả này “thật phi thường” với một sinh viên.
Thậm chí, ThS. Đinh Gia Ninh, giảng viên hướng dẫn của Hoàng nhận định đây là trường hợp “chưa từng có trong lịch sử Bách khoa Hà Nội”.
|
Vũ Ngọc Việt Hoàng hiện là sinh viên năm cuối lớp Công nghệ Chế tạo máy 2, K61 Viện Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng |
"Tình cờ" đến với nghiên cứu khoa học
Theo Hoàng, con đường đến với nghiên cứu khoa học của mình rất tình cờ. Khi học đến năm thứ hai, Hoàng nghĩ rằng nếu cứ đơn thuần học xong tốt nghiệp ra trường thì CV của mình sẽ không có điểm nhấn gì để các nhà tuyển dụng ấn tượng.
Cũng trong quá trình học, cậu sinh viên năm hai bị thuyết phục bởi những trải nghiệm và câu chuyện trên lớp của chính người thầy giáo trẻ.
Cảm thấy hứng thú với hướng nghiên cứu về vật liệu và kết cấu vì đây là chủ đề trực quan, gần gũi, Hoàng chủ động liên hệ tới thầy Ninh và xin tham gia vào nhóm nghiên cứu do thầy hướng dẫn. Mục tiêu khi ấy của Việt Hoàng chỉ là có một bài báo khoa học trước khi ra trường.
“Nhưng không ngờ, càng làm, em càng bị lôi cuốn”, Hoàng cười.
Nhớ lại thời gian đầu, thầy Ninh cho hay, tuy mới chập chững “vào nghề” nhưng Hoàng hoà nhập rất nhanh.
Còn Hoàng chia sẻ, để có được 8 bài báo công bố quốc tế là một hành trình vất vả, gian nan. Do còn phải bố trí thời gian đi học trên lớp, nên cậu phải tranh thủ những buổi được nghỉ ở nhà và những ngày cuối tuần, thậm chí làm về đêm.
“Giai đoạn khó khăn nhất của em là mất 2 tháng liền chỉ để so sánh kết quả với các nghiên cứu đã có. Đó là công đoạn mất nhiều thời gian nhất trong quá trình nghiên cứu của em”, Hoàng kể.
Một khó khăn nữa của Hoàng là tham gia nghiên cứu khi kiến thức chuyên ngành chưa nhiều. Để khắc phục, Hoàng cho hay, em đã phải đọc, tìm hiểu rất nhiều sách trong nước và ngoài nước.
Vốn Tiếng Anh chỉ ở mức trung bình khá, để đọc sách bằng Tiếng Anh, Hoàng khá chật vật.
Lúc đầu, em vừa đọc vừa tra nghĩa của từ, sau rồi, ngữ pháp và vốn từ vựng cũng được cải thiện dần qua từng ngày.
“Việc này mất rất nhiều thời gian. Có nhiều hôm em còn không ngủ, làm việc xuyên đêm, sáng hôm sau lại đi học. Đến bây giờ em cũng không thể hiểu nổi tại sao khi đó mình có thể khỏe thế”.
Có "chất" của người làm khoa học
Ban đầu, bố mẹ Hoàng cũng không muốn em đi theo con đường nghiên cứu khoa học, mà mong em tốt nghiệp ra trường để đi làm.
“Nghe em kể muốn nghiên cứu khoa học, có bài báo quốc tế để sau này có thể du học. Bố mẹ cho rằng em đang nói chuyện trên trời. Dù không nói thẳng ra nhưng bố mẹ cũng nghĩ em có chút ảo tưởng”, Hoàng kể lại.
Đỉnh điểm, có lần Hoàng và mẹ đã từng tranh cãi cả buổi tối. Lần đó, mùng 4 Tết, Hoàng rời nhà, lên Hà Nội để tiếp tục học và nghiên cứu.
Sự việc càng khiến Hoàng thêm khao khát muốn chứng minh bản thân.
Với đề tài về kết cấu vỏ từ vật liệu nano composite, Vũ Ngọc Việt Hoàng nhận định nghiên cứu của mình còn nhiều “đất” để ứng dụng thực tế, song cần được đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất để phát triển.
Và rồi Hoàng chứng minh mình không “nói chuyện trên trời” bằng việc lần lượt giành giải Nhất cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa cấp trường, rồi cấp Bộ năm 2020.
“Bố mẹ cũng xuôi và giờ lại ủng hộ, động viên em. Được gia đình ủng hộ cũng tạo cho em nguồn động lực lớn” - Hoàng nói.
Càng làm càng say mê, thức đêm làm đề tài trở thành chuyện cơm bữa. Giai đoạn cao điểm, nhiều đêm, Hoàng không ngủ.
“Khi tôi đang học chương trình tiến sỹ ở Mỹ, 3-4 giờ chiều là khoảng 3-4 giờ sáng ở Việt Nam, vẫn thấy Hoàng lọ mọ hỏi han. Tôi bảo đi ngủ, Hoàng không chịu. Nhưng đúng chất nghiên cứu là phải thế. Đã vào guồng thì khó bỏ lắm!”, thầy Ninh chia sẻ.
Thầy Đinh Gia Ninh nhận định ở Hoàng có “chất” của nhà nghiên cứu, nhà khoa học tương lai.
Còn Hoàng cho rằng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có nhiều người giỏi, nhưng em trở thành sinh viên đầu tiên có 8 bài báo có lẽ nhờ dành nhiều thời gian, tâm huyết với việc nghiên cứu.
“Có lẽ bản thân em cũng muốn theo hướng nghiên cứu thật nên dày công và tâm huyết với nó. Em nghĩ khi mình thực sự muốn phát triển, nghiên cứu thì sẽ nảy sinh những ý tưởng mới. Khi đó thì số lượng bài báo khoa học chắc chắn sẽ tăng lên”, Hoàng lý giải.
Điều Hoàng vui hơn là niềm đam mê nghiên cứu của mình tiếp tục được truyền lửa cho các sinh viên khoá dưới. Nguyễn Hoàng Hà, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, chia sẻ, nhờ sự giúp đỡ của Hoàng, một tháng nữa em cũng sẽ công bố bài báo khoa học đầu tiên.
Chuẩn bị tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Hoàng dự kiến sẽ xin học bổng du học tiếp chương trình tiến sĩ ở nước ngoài. Khát khao của Hoàng là đến được một trường đại học ở Mỹ phù hợp với hướng nghiên cứu của mình.
“Sau khi tốt nghiệp, em sẽ tập trung thời gian học thêm Tiếng Anh và đặt mục tiêu đạt IELTS từ 6.0 trở lên”.
Thanh Hùng
Máy rửa xe tự động giá 100 triệu của sinh viên Đà Nẵng
Thấy nhu cầu rửa xe của người dân sau các trận mưa lũ, nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã chế tạo 1 máy rửa xe máy tự động. Đây cũng là sản phẩm được doanh nghiệp đặt hàng.
" alt="Sinh viên Bách khoa sở hữu 8 bài báo ISI"/>
Sinh viên Bách khoa sở hữu 8 bài báo ISI