|
Một dụng cụ trông giống chiếc thước kẻ thường được sinh viên Trường Mật mã quốc gia sử dụng để vẽ sơ đồ mạng lưới thông tin. Ảnh: Washington Post
|
Reinsfelder – lúc đó là một giáo viên trung học dạy tiếng Tây Ban Nha – đã đồng ý nhận việc trong khi không hề biết gì về nó. Họ không thể hé lộ bất cứ thông tin gì cho tới khi anh đã là người của họ.
Trường Mật mã quốc gia là một ngôi trường không giống các ngôi trường khác. Nó được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Các tân sinh viên phải đi qua hàng loạt trạm kiểm soát mới có thể đến được lớp học.
Danh tính của các sinh viên đôi khi được giữ kín.
Không có bài tập về nhà.
Điện thoại di động, máy tính xách tay không được phép mang vào trong. Có điện thoại cố định, một số an toàn, dùng cho công việc. Một số không an toàn, chỉ để liên lạc với gia đình.
NCS có một sứ mệnh không bình thường: dạy cho học viên cách bảo vệ quốc gia bằng cách yêu cầu họ đi đầu trong việc phát hiện ra những mối đe dọa và đi đầu về công nghệ.
Cơ quan Tình báo quốc gia (NSA) từng bị chỉ trích mạnh mẽ trong những năm gần đây về nỗ lực thu thập tất cả các loại dữ liệu. Một số cơ quan tỏ ra e ngại NSA – trung tâm của cuộc tranh luận về quyền riêng tư và an ninh quốc gia.
NSA cũng là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất khu vực Washington. Và tất cả nhân sự của cơ quan này luôn phải học tập không ngừng.
Reinsfelder – hiện đang là sĩ quan chỉ huy ở Trường Mật mã quốc gia – là người chỉ đạo lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường vào tuần này.
Trường Mật mã đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn cho nước Mỹ – ông Frank Cilluffo, phó chủ tịch kiêm giám đốc Trung tâm An ninh mạng và An ninh nội địa, ĐH George Washington cho hay. Trong một bài phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông có đề cập tới việc các thông tin tình báo có tác động lớn như thế nào trong việc đưa ra các quyết sách cấp cao.
“Các bạn là những chiến binh thầm lặng. Có những lúc các bạn mặc đồng phục nhưng cũng có những lúc các bạn như thường dân” – ông nói. “Các bạn cứu mạng nhiều người”.
|
Ông Frank Rowlett – chỉ huy trưởng đầu tiên của Trường Mật mã quốc gia. Ảnh: Cơ quan An ninh quốc gia
|
Nguồn gốc thành lập NCS bắt đầu từ trước những năm 1965. “George Washington là điệp viên chỉ huy đầu tiên của nước Mỹ” – ông nói. Lúc đó, các gián điệp của Washington học cách đánh chặn các tin nhắn từ binh sĩ Anh và đánh lừa họ.
Sau chiến tranh. Washington tuyên bố tình báo là yếu tố quan trọng nhất giúp làm nên chiến thắng. Điều này cũng hoàn toàn đúng với cả hai cuộc chiến tranh thế giới.
Sau Thế chiến thứ 2, một số người nhận ra rằng họ đang làm một công việc đòi hỏi những kỹ năng mà không ai có – David Hatch, nhà sử học vể NSA, hiện đang là nhà phân tích của cơ quan này cho hay. Khi NSA lớn mạnh, giám đốc cơ quan này nhận ra nhân viên của ông cần phải được đào tạo bài bản hơn và họ cần có một chương trình đào tạo khác với cách đào tạo các binh sĩ.
Họ cũng cần những lớp học dành cho những người sẽ đầu quân vào cơ quan tối mật này: NSA 101.
Trong những ngày đầu tiên, chỉ có 8 môn học. Các phân tích viên sử dụng bút chì, một tờ giấy và một dụng cụ giống chiếc thước kẻ có 3 lỗ - một vòng tròn lớn, một vòng tròn nhỏ hơn và một hình chữ nhật – để vẽ sơ đồ mạng lưới thông tin liên lạc.
“Sách giáo khoa” là những cuốn sách in hoặc viết tay nặng trịch về truyền sóng radio, phân tích tín hiệu hoặc ngôn ngữ.
Trường Mật mã là người đi đầu về công nghệ máy tính – Hatch nói, tuy nhiên hầu hết đều đã lỗi thời ở thời điểm hiện tại.
Các chuyên gia mật mã huyền thoại là người dạy các lớp học này. Trước khi trở thành nhà mật mã học, Lambros Callimahos là một nghệ sĩ chơi sáo nổi tiếng thế giới. Ông là một chuyên gia mật mã lập dị. Ông đội một chiếc mũ nồi, mặc chiếc áo choàng của cảnh sát Paris, dùng trà đúng kiểu Anh và khuyến khích sinh viên dùng thuốc lá hít. Ông dựng lên một xứ sở huyền bí, với lịch sử riêng, nền chính trị riêng, ngôn ngữ riêng và hàng tá hệ thống mật mã mà các sinh viên của ông phải khám phá ra. Ông thường hỏi những câu đại loại như: “Ý nghĩa mật mã của ngày 16/12 là gì?”
Các lớp học thì rất khó nhằn. Một người bạn của ông Hatch từng kể rằng nếu như cậu ta lỡ làm rơi chiếc bút chì thì cũng không dám cúi xuống nhặt vì sẽ bỏ lỡ mất 3 hệ thống mã hóa.
Các cựu sinh viên nói rằng những lớp học này không chỉ dạy cho họ những kỹ năng mới, mà còn dạy những cách tư duy hoàn toàn mới. Thậm chí, một người còn tả đầu anh ta thường nhói lên vào cuối ngày.
|
Lớp học dành cho nhân viên của Cơ quan An ninh quốc gia vào những năm 1950 trước khi Trường Mật mã quốc gia thành lập vào năm 1965. Ảnh: Cơ quan An ninh quốc gia
|
Trường Mật mã quốc gia luôn luôn phải thay đổi, thích nghi với yêu cầu của những nhiệm vụ mới, từ Chiến tranh lạnh tới chiến tranh Việt Nam, từ căng thẳng ở Trung Mỹ đầu những năm 80 – thời điểm mà Reinsfelder được đưa vào để khởi động chương trình tiếng Tây Ban Nha của trường – cho tới sự sụp đổ của bức tường Berlin, từ sự kiện 11/9 cho tới ISIS. Bây giờ, những thay đổi thậm chí còn diễn ra nhanh hơn nhiều.
Năm 2006, trường có các lớp học về công nghệ thông tin, nhưng chẳng có thứ gì gọi là “mạng”. Bây giờ thì nó đã có riêng một trường thành viên chuyên về các hoạt động mạng và an ninh mạng.
Lãnh đạo nhà trường luôn phải đảm bảo rằng gần 1.300 khóa học của họ không chỉ được dạy trực tiếp tại các cơ sở thông qua vệ tinh mà còn có thể dạy trực tuyến qua các kết nối an toàn.
Họ bắt đầu có những cuộc họp thường xuyên với những nhân viên nhỏ tuổi nhất – James Aldrich, phó chỉ huy trưởng của trường cho biết, bởi vì họ nhận ra rằng sinh viên đang học theo những cách không ngừng phát triển. Đôi khi họ học tập qua các ứng dụng mà cách đó một tuần chưa hề tồn tại.
Và NCS phải tiếp tục thay đổi và thích nghi như thế trong tương lai. NCS cũng gây dựng mối quan hệ hợp tác với ĐH Bang Dakota để các nhân sự của NSA – những người vào quân đội ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông – có thể học thêm và nhận bằng chính quy về hoạt động mạng.
Trường cũng làm việc với các trường đại học, cao đẳng, trung học trên cả nước để khuyến khích đưa vào các chương trình ngôn ngữ cần thiết như tiếng Ả Rập, tiếng Trung, Dari, Hindi, tiếng Farsi, Bồ Đào Nha, Nga… Đó cũng là lý do tại sau Reinsfelder có mặt trong một phòng học lớp 1 ở Delaware, nghe bọn trẻ nói tiếng Hoa.
NSA muốn chắc chắn rằng bọn trẻ đang được học khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tại một trại hè ở California – một trong hàng chục trại hè khắp nước Mỹ - các bé gái tới từ cộng đồng thu nhập thấp “trở về nhà với một chiếc Raspberry Pis giá 65 đô la đang thực sự hoạt động” – Reinsfelder nói. Chúng cũng được học cách đột nhập những chiếc máy bay không người lái.
Bài viết của tác giả Susan Svrluga – phóng viên chuyên trách mảng giáo dục đại học của tờ Washington Post.
- Nguyễn Thảo(Theo Washington Post)
">