Ảnh minh họa: Thanh HùngSự việc đó khiến tôi vướng phải nhiều rắc rối. Nhiều phụ huynh thông cảm, gọi điện tâm sự, nhưng có một phụ huynh muốn làm to chuyện. Người này chia sẻ câu chuyện lên mạng, thông tin cho báo chí, thậm chí đi kiện... Tất cả chỉ nhằm “dạy cho thầy một bài học” vì cái tát với học sinh.
Tôi đã học được một bài học lớn, đó là sự nhiệt tình, tâm huyết đôi khi lại làm hại mình. Phụ huynh không cần tìm hiểu ngọn ngành sự việc, không cần biết nguyên nhân và cả hậu quả của việc họ làm.
Tôi đã nhận sai với phụ huynh và lãnh đạo trường. Tôi cũng đã gặp học sinh để cùng giải quyết sự việc. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Một số phụ huynh và cả học sinh đã đẩy câu chuyện đi xa hơn.
Những danh từ họ gán cho tôi như “thầy giáo côn đồ”, “thầy bạo hành” xuất hiện. Nhưng họ không hiểu rằng, chính tôi đã bị bạo hành về tinh thần đến mức không thể kiềm chế bản thân.
Một cái tát của thầy giáo với học trò ở thời xưa có thể là mở đầu cho những răn dạy khác từ bố mẹ, là cái răn theo học sinh suốt cuộc đời. Nhưng giờ đây, một cái tát, thậm chí một lời nói sẽ là tai họa với chính giáo viên, bởi không chỉ bị tước đi uy danh người thầy, mà còn khó lấy lại nhiều điều.
Với điện thoại, máy ghi hình, internet và mạng xã hội, nhiều người sẵn sàng chửi bới, thóa mạ chính thầy cô của họ, của con cái họ, nếu việc nào đó không vừa ý. Thật đáng sợ!
Tôi dần thu mình lại, không cảm nhận được sự an toàn trong môi trường của mình. Tôi thấy sợ phụ huynh và sợ cả những học sinh mà hằng ngày thầy trò vẫn cùng nhau vui đùa.
Sau sự việc, nhiều phụ huynh và học sinh của lớp đó có bày tỏ mong muốn tôi tiếp tục dạy lớp, bởi cảm nhận được sự nhiệt huyết và tận tâm, nhưng tôi không thể. Tôi thấy sợ cảm giác đứng trên bục giảng trước một số học sinh tự hào rằng đã có uy trước thầy hay nếu mình muốn, thầy đã bị đuổi việc, mất nghề.
Tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm. Trách nhiệm trước đây và bây giờ của tôi đã khác nhau nhiều. Tôi không còn dám la mắng một học sinh không học bài cũ, không dám phê bình một học sinh nào trước lớp, không dám nói mạnh khi thấy nhiều học sinh chửi bậy, xả rác... Bởi, trong mắt các em bây giờ, tôi đâu còn vị thế gì nữa, là thầy giáo bạo hành.
Tôi thấy mình và nhiều thầy cô khác ở đó.
Sự tâm huyết, tận tâm với học sinh của tôi bắt đầu lung lay. Bây giờ, tôi lên lớp với tư cách một thầy dạy chữ, đem hết trí tuệ và công sức vào bài giảng, giúp học sinh lĩnh hội tri thức. Những vấn đề khác của học sinh, tôi không còn quan tâm như trước.
Thành thật tôi đã suy nghĩ nhiều về việc bỏ nghề - một nghề mà mình từng đam mê mãnh liệt, coi là niềm vui và hạnh phúc cuộc đời, ngay cả khi đồng lương ít ỏi.
(Ghi theo lời kể của một giáo viên THPT)
LỜI TÒA SOẠN Áp lực của giáo viên về chuyện kỷ luật học sinh thực sự đang hiện hữu. Không ít thầy cô cho rằng việc tâm sự, khuyên nhủ hay răn đe, với một số học sinh, vẫn không thể giải quyết được vấn đề.
VietNamNet mở diễn đàn "Kỷ luật học đường như thế nào để phù hợp?", rất mong được sự đóng góp ý kiến của độc giả.
Ý kiến gửi về [email protected]. Xin cảm ơn!
" width="175" height="115" alt="Cái tát học sinh và trăn trở phía sau của thầy giáo" />