"Ông ấy biết làm thế nào để thể hiện tinh thần quốc gia. Không chỉ trong bài diễn văn, mà còn thông qua cách ông ấy xuất hiện, trong bối cảnh, nơi ông ấy phát biểu", chuyên gia Jonathan Eyal thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) bình luận.
Điều chỉnh các bài diễn văn cho phù hợp
Theo BBC, các bài diễn văn của ông Zelensky có một mục đích cấp bách duy nhất là thu hút sự ủng hộ của quốc tế. Ông thực hiện điều đó với một loạt thông điệp được điều chỉnh phù hợp.
Từ sự sụp đổ của Bức tường Berlin tới các vụ tấn công khủng bố vào New York và Washington ngày 11/9/2001, ông Zelensky đã đề cập đến những sự kiện gây chấn động, tiêu biểu ở mỗi quốc gia. Tại Paris ngày 23/3, lãnh đạo Kiev đã trích dẫn khẩu hiệu "tự do, bình đẳng, bác ái" của nước Pháp. Còn ở Nhật, ông nhắc đến bóng ma của thảm họa hạt nhân.
Ông Zelensky không lãng phí thời gian mà luôn đi thẳng vào vấn đề. Trong 1 - 2 phút phát biểu trước các nhà lập pháp ở London hôm 3/3, ông đã so sánh 13 ngày chiến tranh của Ukraine với trận chiến của người Anh trong Thế chiến thứ hai.
Sau khi trích lời đại thi hào Shakespeare (tồn tại hay không tồn tại), ông Zelensky dẫn lại cả phát biểu của cố Thủ tướng Winston Churchill. Ông Zelensky không nêu hẳn tên nhà lãnh đạo Anh thời chiến nhưng ý nhị thay đổi một chút bài diễn văn nổi tiếng của ông Churchill vào ngày 4/6/1940 để phù hợp với địa lý Ukraine.
"Chúng tôi sẽ chiến đấu trong rừng, trên cánh đồng, trên bờ biển, trong thành phố và làng mạc, trên đường phố, chúng tôi sẽ chiến đấu trên đồi", người đứng đầu Kiev nói. Trong bài diễn văn trước Quốc hội Anh, Tổng thống Ukraine cũng đưa vào lời lẽ cứng rắn. Ông không ngại chỉ trích phương Tây vì những gì ông coi là thất bại trong việc hỗ trợ Ukraine.
Thuật hùng biện khơi dậy nỗi xấu hổ
"Trong mỗi bài diễn văn, ông ấy nói về bạn thuộc loại người nào? Bạn là người của quốc gia nào? Nếu bạn không theo kịp thời khắc này, bạn sẽ phải xấu hổ", Nomi Claire Lazar, giáo sư về các vấn đề công và quốc tế tại Đại học Ottawa phân tích.
Trong bài diễn văn trước Quốc hội Mỹ, ông Zelensky có nhắc đến các sự kiện Trân Châu Cảng, Martin Luther King và núi Rushmore, nhưng cũng trách cứ khán giả của mình bằng ngôn ngữ không theo lối ngoại giao một cách rõ ràng: "Chúng tôi yêu cầu phản ứng, phản ứng trước khủng bố. Điều này có phải là đòi hỏi quá nhiều?".
Phát biểu trước Hạ viện Italia ngày 22/3, Tổng thống Zelensky một lần nữa nhờ cậy đến cách khơi dậy nỗi xấu hổ của các khán giả khi chỉ ra rằng các thành viên trong nội các của Tổng thống Nga Putin rất thích đi nghỉ dưỡng ở quốc gia hình chiếc ủng.
"Bạn không thể đi vào các cơ quan lập pháp nước ngoài và nói họ thật đáng xấu hổ, trừ khi bạn đã tự coi mình như một quan tòa về đạo đức", giáo sư Lazar nhận xét.
Từ quan điểm độc đáo của mình, là nhà lãnh đạo của đất nước đang bị tấn công, có lẽ hiểu rằng ông Zelensky cảm thấy cần phải rũ bỏ bất kỳ dấu hiệu tự mãn nào khỏi những người đang lắng nghe ông. Chuyên gia Orysia Lutsevych thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh Chatham House tin, các bài diễn văn còn cho thấy "một chút thất vọng" ở ông Zelensky và các trợ lý.
Sự đón nhận
Với mỗi bài phát biểu, do phụ tá thân cận Dmytro Litvin cùng soạn, ông Zelensky có một lượng khán giả bất đắc dĩ. Đó là các chính trị gia bị kích thích bởi lời hùng biện không theo thông lệ và thẳng thắn của ông, cũng như cố gắng tập trung vào "sự tức giận hết sức chính nghĩa" của nhà lãnh đạo Ukraine.
Hơn thế nữa, ông Zelensky cũng đang lên tiếng vì người dân Ukraine và đang đề cập đến họ. Ông nói bằng tiếng Ukraine và tránh xa những bộ vest chau chuốt thường gắn với bối cảnh chính trị. Đó là một sự thay đổi khác thường đối với một chính trị gia từng có tỷ lệ tín nhiệm giảm trong nhiều tháng trước khi Nga phát động chiến dịch tấn công quân sự vào Ukraine ngày 24/2.
Cho đến trước cuộc chiến, quá khứ từng là diễn viên hài thường dường như là một trở ngại đối với Zelensky trên cương vị lãnh đạo chính phủ. Tuy nhiên, khi chiến sự nổ ra, nó đột nhiên trở thành một tài sản, giúp ông kết nối với những người lắng nghe bằng cách khiến họ phấn khích.
Các bài phát biểu của ông Zelensky, với thông điệp đơn giản và không màu mè "Hãy làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ Ukraine" nhằm hướng đến đối tượng khán giả cuối cùng là công chúng ở phương Tây. "Ông ấy đang cố gắng tạo ra loại áp lực từ bên dưới. Áp lực trong nước lên các chính phủ, điều đặc biệt quan trọng, vì những gì ông ấy đề nghị hỗ trợ thực sự rất tốn kém", giáo sư Lazar bình luận.
Sắp đặt chương trình nghị sự
Ông Zelensky không xúc tiến các chuyến công du trực tuyến đến các cơ quan lập pháp trên thế giới chỉ đơn thuần để gây thiện cảm. Thực tế giao tranh cho thấy, Ukraine không thể chống lại các lực lượng Nga nếu thiếu sự hỗ trợ quân sự to lớn và lâu dài từ các đồng minh phương Tây.
Suốt nhiều tuần, ông Zelensky đã yêu cầu NATO thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine. Theo một số nhà phân tích, lãnh đạo Kiev dường như biết rõ yêu cầu đó sẽ không được đáp ứng, nhưng ông có thể nhận được điều tốt nhất tiếp theo. "Đây có thể là chiến lược", chuyên gia Lutsevych nhận định.
Andriy Yermak, Chánh văn phòng của ông Zelensky ngày 22/3 từng đề cập đến các giải pháp thay thế cho vùng cấm bay: "Hãy thực thi vùng cấm bay hoặc cung cấp cho chúng tôi các hệ thống phòng không đáng tin cậy".
Các nỗ lực nhằm cải thiện hệ thống phòng không của Ukraine đã và đang được thực hiện. Mỹ được cho là đang cân nhắc cung cấp các hệ thống cũ, có từ thời Liên Xô nhưng vẫn còn hiệu quả cho Kiev.
Một số nhà phân tích tin, cách tiếp cận không ngừng nghỉ của ông Zelensky đang phát huy hiệu quả. Việc các nhà lãnh đạo phương Tây cuối tháng 3 đã tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp bàn về căng thẳng chiến sự Nga - Ukraine cũng như đưa ra những cam kết bổ sung viện trợ quân sự cho Kiev kể từ đó đã cho thấy rõ điều này.
Tuấn Anh
Theo Reuters, sự kiện đã phản ánh những khó khăn mà phương Tây phải đối mặt khi cố gắng duy trì quyết tâm cô lập Nga về mặt ngoại giao, sau hàng loạt động thái lên án Moscow ở giai đoạn đầu.
Một số nước cảm thấy thất vọng và lo ngại rằng, dù xung đột Nga - Ukraine đang thu hút nhiều sự chú ý của toàn cầu suốt gần 6 tháng qua, nhưng hiện không có triển vọng về việc LHQ có thể chấm dứt nó. Các nhà ngoại giao phương Tây thừa nhận, họ bị hạn chế trong việc làm thế nào để nhắm vào Nga mạnh mẽ hơn ngoài việc tổ chức các cuộc họp.
Các nhà ngoại giao và giới quan sát ghi nhận, trong một số trường hợp, các nước phương Tây đang né tránh một số động thái cụ thể vì e ngại chỉ giành được sự ủng hộ khiêm tốn, khi tỷ lệ bỏ phiếu trắng ngày càng tăng ám chỉ việc không muốn công khai chống lại Moscow.
Ví dụ, Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6 từng cân nhắc kế hoạch bổ nhiệm một chuyên gia của LHQ điều tra các vi phạm ở Nga, nhưng khối sau đó đã gác lại ý tưởng này vì lo ngại gần một nửa trong số 47 thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva có thể phản đối.
Trở ngại
Phái đoàn Nga tại LHQ quả quyết, các quốc gia phương Tây "biết quá rõ rằng không thể cô lập Nga vì đây là một cường quốc toàn cầu".
Thực tế, sự cô lập về ngoại giao đã không ảnh hưởng đến một cuộc bỏ phiếu kín ở Geneva để quyết định "quốc phục" đẹp nhất tại một buổi chiêu đãi vào tháng 6. Một nhà ngoại giao Nga đã chiến thắng và đoạn video ghi lại sự kiện cho thấy cô được tặng một hộp sôcôla. Phái đoàn Ukraine đã bỏ ra ngoài.
Với tư cách là nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ, Nga có thể tự bảo vệ mình trước các quyết nghị quan trọng như áp trừng phạt, nhưng họ cũng nỗ lực vận động để giảm bớt sự ủng hộ quốc tế đối với những động thái ngoại giao của phương Tây ở những nơi khác.
Trước cuộc bỏ phiếu hồi tháng 4 của Đại hội đồng nhằm đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền, Moscow cảnh báo các quốc gia rằng việc bỏ phiếu đồng ý hoặc bỏ phiếu trắng sẽ bị Moscow coi là "không thân thiện" và dẫn đến "hậu quả" đối với quan hệ của họ. Kết quả cuộc bỏ phiếu do Mỹ khởi xướng này là thành công với các nước phương Tây, khi họ giành được 93 phiếu ủng hộ, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói, Nga đã có thể làm lung lay một số quốc gia bằng câu chuyện rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, vốn trầm trọng hơn do cuộc xung đột ở Ukraine tiếp diễn. Song, theo bà, điều đó đã không biến thành sự ủng hộ lớn hơn dành cho Nga.
Lằn ranh đỏ
Trong vòng một tuần sau khi chiến sự bùng phát ngày 24/2, gần 3/4 Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu khiển trách Nga và yêu cầu nước này rút quân khỏi Ukraine. Ba tuần sau, Đại hội đồng tiếp tục đồng thuận lên án Nga.
"Sự ủng hộ sẽ suy yếu vì các nghị quyết hồi tháng 3 thể hiện một mốc cao. Hiện không có mong muốn hành động thêm trừ khi (Nga) vượt qua các lằn ranh đỏ", một quan chức ngoại giao cấp cao của châu Á, xin giấu tên tiết lộ. Một số nhà ngoại giao tin những lằn ranh đỏ như vậy có thể là một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc hóa học, số lượng lớn dân thường thiệt mạng hoặc việc sáp nhập lãnh thổ Ukraine.
Các nước phương Tây đã thành công trong việc tập trung vào các cuộc bầu cử vào các cơ quan của LHQ. Lần đầu tiên kể từ khi Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) được thành lập vào năm 1946, Nga đã không trúng cử vào hội đồng điều hành của cơ quan này hồi tháng 4 và không giữ được ghế tại các cơ quan khác. Tuy nhiên, tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi tháng 5, khoảng 30 nước với một nửa trong số họ đến từ châu Phi, đã không tham gia bỏ phiếu về nghị quyết liên quan đến Ukraine.
“Điều khó hiểu nhất đối với chúng tôi là ý tưởng rằng một cuộc xung đột như thế này về cơ bản đang được khuyến khích kéo dài vô thời hạn”, một quan chức ngoại giao cấp cao của châu Phi chia sẻ, trích dẫn việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Kiev cũng như sự thiếu vắng các cuộc đàm phán thực sự nhằm chấm dứt xung đột một cách hòa bình.
Ukraine đã kêu gọi trục xuất Nga khỏi LHQ. Song, việc thực hiện động thái chưa từng có này cần phải có kiến nghị của Hội đồng Bảo an LHQ, điều Nga có thể ngăn chặn, và sau đó là một cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng. Một lựa chọn khác có thể là thu hồi ủy nhiệm thư của các đại diện Moscow, nhưng điều đó sẽ cần tối thiểu là sự ủng hộ của đa số Đại hội đồng.
Tuấn Anh
Trong thông cáo ngày 12/12, Bộ Thương mại Trung Quốc giải thích, việc khởi kiện lên WTO là cần thiết để bảo vệ “các quyền và lợi ích hợp pháp” của đất nước, sau khi Bộ Thương mại Mỹ hồi đầu tháng 10 ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vi xử lý nhằm gây khó khăn hơn cho đại lục trong việc thu mua hoặc phát triển các chất bán dẫn tiên tiến.
Ngành công nghiệp chất bán dẫn đã trở một trong những “điểm nóng” về căng thẳng thương mại giữa hai siêu cường kinh tế. Bloomberg cho hay, mặc dù Trung Quốc là nhà sản xuất điện thoại và máy tính lớn nhất nhưng các công ty Mỹ vẫn kiểm soát hầu hết công nghệ vi xử lý cơ bản.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lập luận rằng, họ cần hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các thiết bị tiên tiến nhất để bảo vệ an ninh quốc gia. Song, với việc chỗ đứng của mình trong ngành công nghiệp trị giá 580 tỷ USD bị đe dọa, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang sử dụng những lí do mơ hồ liên quan đến an ninh để kìm hãm đối thủ một cách không công bằng.
Theo tạp chí Financial Times, Bắc Kinh cũng tố cáo Washington đang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ kinh tế làm suy yếu các quy tắc thương mại, "đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu". Trong khi đó, đối với các công ty Mỹ, các quy định mới của Washington cũng có thể khiến họ mất hàng tỷ đô la doanh thu từ việc xuất khẩu chất bán dẫn sang thị trường Trung Quốc.
Động thái mới của Trung Quốc đánh dấu giai đoạn đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp kéo dài tại WTO. Theo quy trình, Mỹ hiện có 60 ngày để tham gia các cuộc tham vấn liên quan đến đơn kiện. Nếu điều đó không giải quyết được vấn đề, Bắc Kinh có thể yêu cầu thành lập một ban hội thẩm của WTO.
Có thể mất vài năm để đi đến phán quyết cuối cùng cho vụ kiện thông qua hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Và ngay cả khi Trung Quốc thắng kiện, Mỹ về cơ bản có thể phủ quyết bằng cách kháng cáo quyết định lên cơ quan phúc thẩm WTO, vốn hành động rất chậm do Washington đã ngăn chặn một số bổ nhiệm vào cơ quan này.
Ngoài ra, ngay cả khi Bắc Kinh thành công trong vụ kiện, đây cũng được coi chiến thắng mang tính tượng trưng vì WTO vẫn thiếu công cụ buộc Washington phải tuân thủ và đảo ngược hành động của họ.
Phát ngôn viên của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Adam Hodge hôm 12/12 cho hay, nước này đã nhận được yêu cầu tham vấn từ Trung Quốc, nhưng không coi WTO là “diễn đàn thích hợp để thảo luận những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia”.
Mỹ cũng đang đàm phán với Nhật và Hà Lan về một thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu, trong đó hai quốc gia này sẽ cấm các công ty của họ bán công cụ chế tạo vi xử lý cho các nhà sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiết lộ, Washington đang thảo luận với các đồng minh và đối tác về “sự liên kết rộng rãi, phối hợp hành động” trước Bắc Kinh. Động thái dự kiến sẽ gây thêm áp lực lên Trung Quốc.
Tuy nhiên, một quan chức phương Tây nhận định, Bắc Kinh hiểu rõ điều gì sắp đến nhưng vẫn muốn theo đuổi vụ kiện để bảo vệ quan điểm liên quan đến vấn đề áp hạn chế xuất khẩu.
“Ít nhất, trong vụ việc lần này, Trung Quốc muốn đẩy lui những ý kiến coi họ là một tác nhân không công bằng trong thế giới thương mại toàn cầu”, Ben Kostrzewa, một chuyên gia về quan hệ thương mại Mỹ - Trung tại công ty luật Hogan Lovells bình luận.