Ngày 12/7, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa X, Nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập tại TP.HCM năm học 2023-2024 đã chính thức được thông qua.Theo đó mức thu mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế là 1.725.000 đồng/học sinh/tháng. Như vậy, mức thu này tăng thêm 225.000 đồng/học sinh/tháng so với mức thu năm học 2022-2023 là 1.500.000 đồng. Trước đó, có dự thảo đề xuất mức thu này lên đến 5.000.000 đồng/học sinh/tháng.
Ngoài ra, nhiều mức thu được áp dụng từ năm học 2023-2024 đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục như: tiền phục vụ ăn sáng từ 60.000 - 220.000 đồng/học sinh/tháng; tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú từ 200.000 - 450.000 đồng/học sinh/năm; tiền công trả lương cho nhân viên nuôi dưỡng từ 160.000 - 260.000 đồng/học sinh/tháng; tiền mua sắm đồng phục học sinh từ 200.000 - 500.000 đồng/bộ.
Ngoài ra, tiền học phẩm - học cụ - học liệu từ 300.000 - 600.000 đồng/học sinh/năm; tiền nước uống 20.000 đồng/học sinh/tháng; tiền trông giữ xe học sinh 2.000 đồng/lượt; tiền tổ chức xe đưa rước học sinh từ 8.000 - 10.000 đồng/km; tiền tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa (năng khiếu, thể dục thể thao, câu lạc bộ, kỹ năng sống...) dao động từ 80.000 - 800.000 đồng/học sinh/tháng; tiền tổ chức các lớp học theo Đề án tin học quốc tế từ 120.000 - 180.000 đồng/học sinh/tháng; tiền dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số 110.000 đồng/học sinh/tháng.
Theo quy định của UBND TP.HCM việc xây dựng “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” bảo đảm nguyên tắc tự nguyện theo học, chỉ phát triển trường tiên tiến, hội nhập quốc tế tại những địa bàn đảm bảo trường công lập dành cho các đối tượng phổ cập. Trường được đánh giá đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và được UBND TP.HCM quyết định công nhận, công bố công khai.
Mục đích xây dựng trường tiên tiến, hội nhập quốc tế để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của xã hội; tiếp cận xu huớng phát triển giáo dục trong khu vực và quốc tế, đồng thời đảm bảo mang đậm bản sắc dân tộc; Đào tạo đội ngũ học sinh năng động, phát triển toàn diện, có năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, chất lượng quốc tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các cơ sở giáo dục theo huớng chuấn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá và hội nhập quốc tế.
Một số tiêu chí cụ thể của các bậc học như sau:
Ở bậc mầm non, trường tiên tiến, hội nhập quốc tế được thực hiện tại các lớp mẫu giáo 3-6 tuổi. Số lượng trẻ không quá 30 em mỗi lớp.
100% trẻ trong trường được tổ chức ăn bán trú, đảm bảo thể chất, tinh thần, không xảy ra dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm. Tất cả trẻ được khám sức khỏe, đo chiều cao, cân nặng, đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng; được theo dõi, đánh giá theo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi.
Ở bậc tiểu học, số học sinh mỗi lớp không quá 35 em; 100% học sinh được học hai buổi mỗi ngày.
100% giáo viên được yêu cầu có khả năng sử dụng tiếng Anh giao tiếp, có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng cơ bản.
50% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt chứng chỉ, chuẩn đầu ra tiếng Anh và Tin học theo chuẩn quốc tế. Tất cả học sinh tiểu học được phổ cập bơi an toàn và chống đuối nước.
Với bậc THCS và THPT, ít nhất 80% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp trường, 30% dạy giỏi cấp huyện. Tất cả giáo viên có khả năng sử dụng tiếng Anh giao tiếp.
100% giáo viên dạy ngoại ngữ có năng lực ngôn ngữ giảng dạy cao hơn hai bậc so với trình độ chung.
Ít nhất 90% học sinh tốt nghiệp THCS sử dụng được tiếng Anh (bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết) đạt trình độ A2 khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc trở lên. Ít nhất 90% học sinh THPT có trình độ B1 trở lên.
UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và Sở GD-ĐT sẽ lập kế hoạch xây dựng trường tiên tiến, hội nhập quốc tế. Mỗi bậc học ở địa phương có ít nhất một trường theo mô hình này.
Năm 2005, Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) là trường đầu tiên được TP.HCM thí điểm mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế. Đến nay, có 40 trường ở thành phố hoạt động theo mô hình này, gồm 16 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 8 trường THCS và 3 trường THPT.
TP.HCM đề nghị giữ nguyên quy định mức sàn học phí
Năm học 2023-2024, TP.HCM tiếp tục thực hiện mức học phí theo mức sàn học phí quy định tại Nghị định 81, đề xuất chính sách hỗ trợ miễn, giảm, có chính sách đặc thù với mục tiêu không để một học sinh nào nghỉ, bỏ học vì điều kiện kinh tế khó khăn.">