Trước khi vào can thiệp, bệnh nhân xuất hiện ngừng tim. Bác sĩ dự đoán có thể xảy ra các cơn ngừng tuần hoàn tiếp theo nên trong quá trình cấp cứu đã cấy tạm máy tạo nhịp tim.
Ê-kíp can thiệp theo dõi sát sao, trong trường hợp phát hiện ngừng thở sẽ tiến hành ép tim, bơm bóng ngay lập tức. Thời gian ngừng tuần hoàn ngắn nên bệnh nhân không bị mất ý thức hoàn toàn.
Bác sĩ Tân chia sẻ, suốt quá trình can thiệp, các bác sĩ luôn “cân não” nhìn sát vào màn hình, nếu có bất thường là ép tim. Toàn bộ các dụng cụ cho cấp cứu ngừng tuần hoàn luôn có sẵn trong phòng.
“Chúng tôi nghĩ rằng bệnh nhân khó có thể sống được. Hàng chục năm tôi làm can thiệp, đây là ca hy hữu nhất. Sau nỗ lực của các bác sĩ, ông H. đã được cứu sống. Hiện tại, bệnh nhân đã bỏ máy tạo nhịp tim, đang hồi phục dần", bác sĩ Tân nói.
Ông H. chia sẻ: “Tôi giống như chết đi sống lại 7 lần. Tôi vô cùng cảm kích các bác sĩ đã cứu mình”.
Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp là mảng xơ vữa trong lòng mạch bị nứt hoặc vỡ, các tế bào máu gồm tiểu cầu và hồng cầu bám vào, tạo thành cục huyết khối gây bít tắc lòng mạch, ngưng cấp máu nuôi cơ tim. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đưa đến hoại tử cơ tim, suy tim, đột tử.
Theo bác sĩ Tân, số bệnh nhân nhồi máu cơ tim ngày càng tăng. Đặc biệt vào mùa đông, nhiệt độ thay đổi nhanh, biến cố tim mach, đột quỵ cũng tăng lên. Khi có dấu hiệu đau ngực dữ dội, vã mồ hôi, người dân cần vào viện nhanh chóng. Nếu chậm trễ, có thể sốc tim, trụy mạch và tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo những người nên đề phòng là nam trên 50 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh, người có huyết áp cao, mắc bệnh đái tháo đường, bệnh thận mạn, rối loạn mỡ máu di truyền, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.
Để phòng bệnh, bạn nên tập thể dục đều đặn, giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, nước ngọt, không nên ăn mặn, giảm ăn thịt mỡ, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên xào.
Những hòn đảo không bác sĩ
Momoshima là hòn đảo nhỏ ở biển Seto, ngoài khơi Onomichi, tỉnh Hiroshima. Dân số của hòn đảo này chỉ có 380 người, khoảng 70% trên 65 tuổi. Tỷ lệ sinh giảm sút dẫn đến việc trường tiểu học ở đây phải đóng cửa. Vào năm 2005, phòng khám duy nhất cũng ngừng hoạt động. Riêng ở tỉnh Hiroshima có hơn 50 khu dân cư biệt lập không có cơ sở y tế như vậy.
Nhưng năm 2011, bác sĩ Tsugita Nobuyuki đã đến Momoshima.
“Việc đi khám thường xuyên ở chỗ bác sĩ Tsugita đã cứu mạng tôi. Cậu ấy phát hiện ba chỗ tắc động mạch của tôi. Trong đó có một động mạch dẫn đến tim”, một bệnh nhân cao tuổi chia sẻ. Cách đây 5 năm, người bệnh đã đến kiểm tra sức khỏe sau khi khó chịu ở ngực. Bác sĩ Tsugita xác định nam bệnh nhân đau tim giai đoạn đầu và nhanh chóng đưa ông vào đất liền điều trị.
Bác sĩ Tsugita có thể đi khám cho bệnh nhân hai đảo khác nhau nhờ biết lái trực thăng. Video: NHK
“Lo lắng là một trong các nguyên nhân chính ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Điều đó tác động đến nhiều yếu tố như cảm giác thèm ăn và giấc ngủ của chúng ta, khiến sức khỏe giảm sút. Bởi vậy, chúng tôi rất chú trọng ngăn chặn nỗi lo lắng”, bác sĩ Tsugita bày tỏ.
Sau 2 tiếng tư vấn tại phòng khám, bác sĩ Tsugita đi thăm các bệnh nhân tại nhà. Việc này rất quan trọng đối với những người không thể trực tiếp đến phòng khám. Bà Okazaki Yasuko, 99 tuổi, là bệnh nhân cao tuổi nhất của bác sĩ Tsugita. Bà vẫn khá linh hoạt, nói chuyện vui vẻ.
Nuôi cả ba đứa con lớn lên ở Momoshima nên dù chồng mất, cụ Yasuko vẫn quyết định ở lại đây. Con gái của cụ Yasuko là bà Kaori đã quay lại đảo để sống với mẹ. “Tôi muốn ở bên mẹ đến phút cuối. Nhưng mình tôi không thể săn sóc mẹ được. Tôi thực lòng nghĩ ràng phòng khám đã giúp mẹ tôi khỏe mạnh", bà Kaori tâm sự.
8h sáng một ngày khác trong tuần, thay vì đến phòng khám ở đảo Momoshima, bác sĩ Tsugita đi xuống bờ biển. Anh lái trực thăng tới một phòng khám khác ở hòn đảo lân cận. Anh thi bằng lái và mua chiếc máy bay chỉ để phục vụ mục đích đó.
Mặc dù nhiều nơi khác cũng có trực thăng y tế nhưng bác sĩ Tsugita được cho là người Nhật đầu tiên tự mình lái trực thăng. Chuyến đi tới Sagishima - nơi bác sĩ Tsugita mở phòng khám thứ 2, chỉ mất 10 phút. Khi anh tới nơi, các y tá đã đến đón anh. Dân số của Sagishima chỉ khoảng 600 người và đang giảm dần. Tương tự đảo Momoshima, khoảng 70% số người dân ở đây trên 65 tuổi.
Bác sĩ Tsugita đặt phòng khám tại nơi từng là trường học của đảo. Dù còn sớm nhưng bệnh nhân đã chật kín. Trước khi Tsugita tới đây, chỉ có một bác sĩ từ đất liền đi tàu ra Sagishima một lần mỗi tuần. Nhưng bây giờ, bệnh nhân có thể đi khám 5 ngày/tuần.
“Không biết thiếu cậu ấy thì nơi này sẽ ra sao. Phòng khám mở cửa từ thứ Hai tới thứ Sáu khiến chúng tôi rất yên lòng”, một nữ bệnh nhân chia sẻ. “Những người gặp khó khăn trong việc đi lại rất bất tiện khi muốn vào đất liền để chữa trị. Tôi rất biết ơn khi cậu ấy lái trực thăng tới đây”, một cụ ông nói.
Sau khi chăm sóc xong cho bệnh nhân ở Sagishima vào buổi sáng, bác sĩ Tsugita lái trực thăng quay lại Momoshima để làm ca chiều. Vào những ngày thời tiết không đẹp, anh sẽ đi tàu thủy. Anh cũng có bằng lái tàu.
Bác sĩ đam mê bầu trời
Yêu bầu trời từ khi còn nhỏ, Tsugita đã lấy bằng lái máy bay thể thao hạng nhẹ khi còn đang học trường y. Sau khi tốt nghiệp, thay vì theo nghề y toàn thời gian, anh làm việc 2 ngày một tuần ở bệnh viện và dành thời gian còn lại cho đội láy máy bay nhào lộn và mài giũa kỹ năng ở vị trí hỗ trợ cho phi công vĩ đại, ngôi sao quá cố Rock Iwasaki.
Nhưng cuộc sống đó không thể kéo dài mãi mãi, ở tuổi 30, Tsugita tập trung vào sự nghiệp bác sĩ. Anh quyết định kết hợp các kỹ năng bay của mình với công việc. “Chắc hẳn phải có những hòn đảo như thế này. Trực thăng dường như là giải pháp hoàn hảo cho những cộng đồng đang suy yếu và tôi có thể tận dụng kỹ năng bay của mình”, bác sĩ Tsugita kể.
Năm 2011, với sự chung tay của chính quyền và người dân địa phương, bác sĩ Tsugita đã mở một trung tâm y tế ở hòn đảo Momoshima vốn không có bác sĩ. Sau đó, năm 2017, một trung tâm tương tự được mở ở Sagishima. Anh mua một chiếc trực thăng và thi lấy bằng lái. Cộng đồng địa phương đã hỗ trợ làm bãi đáp trực thăng cho bác sĩ Tsugita.
Vợ anh, Akemi, vốn là bác sĩ ở Kobe, thường ra đảo vào cuối tuần. Mặc dù lo lắng cho chồng nhưng cô hoàn toàn ủng hộ anh. Cuối tuần này, con gái họ, bé Kokomi, 13 tuổi, cũng đến đây. Hai cha con cùng nhau nướng gà.
“Cháu thấy bố luôn cố gắng hằng ngày dù công việc vất vả, luôn cống hiến hết mình cho những người dân có tuổi ở đây. Cháu rất kính phục sự tận tâm đó. Một ngày nào đó, cháu muốn được như bố", bé Kokomi tâm sự.