Hội nghị do Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ, TB&XH) chủ trì tổ chức mới đây tại Bà Rịa – Vũng Tàu, với sự tham gia của hàng trăm đại biểu đến từ các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh và đại diện các trung tâm đào tạo nghề.Vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đa số các đại biểu quan tâm và tập trung thảo luận tại hội nghị.
|
Toàn cảnh hội nghị. |
Nhiều con số tích cực
Theo báo cáo của Tổng Cục giáo dục Nghề nghiệp, hết tháng 9/2019 đã có trên 9,2 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ; trong đó có 5,3 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956. Ước tính đến hết năm 2019, có khoảng 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các cấp trình độ, đạt 87% mục tiêu của Đề án (11,03 triệu người). Trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người.
Sau khi học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80,4%. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4%, vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.
Các địa phương đã thống kê có gần 350 ngàn hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề; gần 300 ngàn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá; gần 200 ngàn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện mỗi làng một sản phẩm và tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới.
Nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình đã góp phần làm thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Còn khó khăn cần khắc phục
Chia sẻ về quá trình thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết tỉnh còn gặp một số vướng mắc, trong đó lớn nhất vẫn là thiếu kinh phí.
“Để hoàn thành chỉ tiêu hàng năm tỉnh phải vận động các doanh nghiệp, các tổ chức cùng tham gia, hỗ trợ mới có kinh phí để triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thiếu kinh phí dẫn đến thiếu cơ sở vật chất... để đào tạo hiệu quả cho người lao động”, vị này nói.
Ông Nguyễn Duy Tuyên, phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH Long An nêu thực tế: “Theo quy định công tác đào tạo nghề nông thôn thì phải trên 80% có việc làm sau đào tạo, nhưng vì Long An chủ yếu kinh tế là nông nghiệp nên việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn có việc làm mới đạt chỉ tiêu gặp rất nhiều khó khăn. Cùng đó, nhiều nghề khi triển khai thì có rất nhiều người học nhưng không đủ kinh phí để đào tạo, đến khi có kinh phí thì người học lại không muốn theo học nữa”.Nhiều đại biểu chia sẻ thực tế rằng lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu.
Về phía Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, cũng thừa nhận khó khăn trong việc đạt mục tiêu Đề án do nguồn kinh phí trung ương bố trí thấp hơn so với kế hoạch; kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước; hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trung tâm cấp huyện chưa được quan tâm và hiệu quả chưa cao; việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn vẫn còn dàn trải, nhất là danh mục nghề nông nghiệp; một số địa phương chưa xây dựng, phê duyệt định mức chi phí đào tạo, xây dựng, phê duyệt chuẩn đầu ra cho các nghề được đào tạo.
Kết luận hội nghị, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò rất quan trọng và nếu không có chương trình chắc chắn tiêu chí về tỷ lệ lao động và tiêu chí tăng thu nhập cho nông thôn rất khó có thể đạt được.
Do đó, thời gian tới cần có sự tăng cường tương tác giữa các địa phương và Tổng Cục để tạo sự kết nối hơn, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đề án.
Hải Nguyên
Mức thăng hạng chất lượng đào tạo nghề Việt Nam tốt nhất Đông Nam Á năm 2019
- Đó là thông tin được công bố mới đây trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI 4.0) của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
">