|
Kết quả PISA của học sinh Phần Lan qua các cuộc điều tra từ 2000-2018 Nguồn: http://www.oecd.org/pisa/publications/PISA2018_CN_FIN.pdf |
Ngoài ra, một điều đáng chú ý nữa là đầu những năm 2000, kết quả PISA của học sinh Phần Lan khá đồng đều, ít có sự chênh lệch giữa nam và nữ cũng như hoàn cảnh gia đình khác nhau. Song, kết quả của những lần khảo sát gần đây cho thấy sự chênh lệch giữa học sinh nam và học sinh nữ cũng như nền tảng gia đình khác nhau đã tăng dần lên.
Trang bị các thiết bị kỹ thuật số và dạy-học theo hiện tượng
Để cải thiện thứ hạng và nâng cao chất lượng giáo duc cũng như thích ứng với kỷ nguyên mới, từ năm 2016 các nhà hoạch định chính sách giáo dục Phần Lan đã quyết định đưa các phương tiện kỹ thuật số vào lớp học nhiều hơn, đồng thời áp dụng một phương pháp mới: học theo hiện tượng (Phenomenon-based learning). Phương pháp học tập này khuyến khích sinh viên chủ động, tích cực hơn trong học tập và hợp tác nhóm nhiều hơn.
Khác với phương pháp cũ mang tính truyền thống, dạy theo môn học, trong phương pháp giảng dạy này học sinh được giao nhiều trách nhiệm cá nhân hơn.
Cùng với việc thực hiện đổi mới khung chương trình, năm 2016, Bộ Giáo dục Phần Lan đã chi thêm 50 triệu euro để giúp giáo viên học cách sử dụng các thiết bị điện tử trong công việc.
Song, sau hai năm thực hiện khung chương trình mới và học theo phương pháp mới với sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật số, chất lượng giáo dục của Phần Lan có vẻ không được nâng cao như kỳ vọng mà trái lại còn giảm đi. Kết quả PISA mới nhất (năm 2018), vừa được công bố hôm 5/12 đã nói lên điều đó.
Đâu là nguyên nhân?
Một nghiên cứu được tiến sĩ Tâm lý học Aino Saarinen từ Đại học Helsinki thực hiện đã nêu ra những lý do làm giảm thành tích giáo dục của học sinh 15 tuổi ở Phần Lan.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên kết quả Pisa trong hai lần khảo sát, năm 2012 và 2015, của 5.000 học sinh trên khắp Phần Lan.
Nghiên cứu chỉ ra rằng hai lý do dẫn đến sự sụt giảm gần đây trong bảng xếp hạng PISA của học sinh Phần Lan là việc gia tăng sử dụng các tài liệu học tập kỹ thuật số và các chương trình giảng dạy dựa trên hiện tượng (phenomenon-based) trong trường học.
Aino Saarinen cho biết việc lạm dụng các phương tiện kỹ thuật số và phương pháp dạy-học dựa trên hiện tượng được sử dụng trong các trường học có thể không phù hợp với tất cả học sinh.
“Càng nhiều thiết bị kỹ thuật số được sử dụng trong các bài học, kết quả học tập càng kém. Điều này đã được tìm thấy trong tất cả các lĩnh vực của khảo sát đánh giá PISA," Saarinen nói với báo giới và các nhà quản lý giáo dục trong buổi công bố kết quả nghiên cứu.
Cô lưu ý rằng “không phải vì học sinh không biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, mà học sinh dễ dàng bị phân tâm bởi chính các thiết bị - như máy tính xách tay hoặc máy tính bảng - và thường bắt đầu dùng chúng vào việc khác, ngoài bài học". Khi sử dụng máy tính hoặc máy tính bảng (tablet), mức độ tập trung của học sinh dễ có nguy cơ bị phân tán: sự chú ý dễ dàng bị chuyển khỏi vấn đề đang học, như cách sử dụng thiết bị kỹ thuật số, hoạt động của ứng dụng hoặc hướng dẫn của giáo viên.
Ngoài ra, một ứng dụng kỹ thuật số thường có thể chứa cả thông tin động, tĩnh, hình ảnh và âm thanh. Điều này khiến học sinh khó tập trung vào nội dung cần học. Trong khi đó “để việc học có kết quả, trước tiên học sinh phải tập trung vào những gì họ đang học, xử lí và chuyển nó vào một bộ nhớ một cách dễ hiểu. Nếu bước này bị nhiễu loạn, kiến thức mới sẽ không được chuyển sang bộ nhớ dài hạn, tức là việc học không đem lại kết quả. Bộ nhớ làm việc bị quá tải thì việc học không xảy ra.” Saarinen nói.
Về phía giáo viên, năm 2017, Hiệp hội giáo viên Phần Lan (OAJ) cho biết “Nhiều giáo viên mệt mỏi với những thay đổi do thiết bị kỹ thuật số và các nhóm học lớn mang lại".
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rõ điều thứ hai là việc học theo hiện tượng cũng liên quan nhiều đến kết quả thấp hơn, rõ nhất là trong toán học và khoa học, như sinh học, địa lý và vật lý. Học tập theo hiện tượng có nghĩa là việc học tập lấy học sinh làm trung tâm. Trong đó, học sinh tìm hiểu chủ đề hoặc chủ đề nói về cái gì và thông tin ở đâu, và đặt ra mục tiêu học tập cho bản thân. Ngoài ra, học sinh viên thường làm rất nhiều công việc nhóm với nhau.
Saarinen cho rằng phương pháp học tập này thích hợp với những học sinh năng động ở trường và nhận được hỗ trợ ở nhà. Nhưng những học sinh không có năng khiếu tự nhiên và thiếu chủ động phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong một môi trường học tập dựa trên hiện tượng.
Saarinen giải thích rằng học tập dựa trên hiện tượng đòi hỏi học sinh phải có sự tự giác và tính chủ động cao. Nó cũng yêu cầu sinh viên phải độc lập, tập trung và linh hoạt. Trong khi đó “Còn lâu tất cả những đứa trẻ 15 tuổi sở hữu những phẩm chất đó". Cô không đồng tình với việc trao cho học sinh trách nhiệm hơn với việc học của chính họ ở lứa tuổi đó.
Lý do cho việc sử dụng học tập theo hiện tượng là để cân bằng kết quả học tập của học sinh từ các nền tảng khác nhau. Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này dường như cho thấy điều ngược lại, “Những người đề xuất phương pháp này đã tuyên bố rằng thậm chí nó sẽ xóa bỏ sự khác biệt giữa các học sinh với nền kiến thức khác nhau. Nhưng nghiên cứu cho thấy, có vẻ như điều ngược lại đã xảy ra" Saarinen nói.
- "Đã có những phát hiện tương tự từ nghiên cứu ở các quốc gia khác. Và nhiều phụ huynh cũng đã nói điều tương tự", cô nói thêm.
Saarinen cho biết học sinh càng có nhiều nhân tố rủi ro, họ càng có kết quả kém hơn trong các lớp học dựa trên hiện tượng.
Sáu nhóm học sinh dễ gặp rủi ro nhất là: những học sinh có kết quả thấp trong các khảo sát PISA gần đây, những học sinh nghỉ học nhiều, học sịnh có người nuôi dưỡng đơn thân, học sinh từ các gia đình nhập cư, học sinh từ các gia đình thu nhập thấp và trình độ học vấn thấp..
Mặc dù nghiên cứu đã đưa cô đến kết luận rằng chương trình giảng dạy trước đây của Phần Lan đem lại kết quả tốt hơn, nhưng Saarinen không nghĩ rằng các lớp học có thể quay về với quá khứ không có thiết bị kỹ thuật số.
- "Vấn đề là chúng ta cần suy nghĩ về việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số khi nào, bằng cách nào và do ai sử dụng. Bản thân việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số không phải là mục tiêu chính", Saarinen nói.
Kết quả nghiên cứu được công bố đã khiến các nhà quản lý giáo dục và dư luận Phần Lan hết sức ngạc nhiên, trong đó có giáo sư Olli-Pekka Heinonen , Tổng Giám đốc Ủy ban Giáo dục Quốc gia, cơ quan phụ trách giáo dục tiểu học và trung học của Phần Lan.
Khi kết quả nghiên cứu này được công bố, một số giáo viên đã viết trên mạng xã hội rằng “chúng tôi chờ đợi điều này đã lâu, song bây giờ mới có người nói ra dựa trên kết quả nghiên cứu”.
Kết quả nghiên cứu của Aino Saarinen được nhiều nhà nghiên cứu giáo dục đánh giá cao và các nhà quản lý giáo dục Liisa hết sức quan tâm.
Mới đây Yle, cơ quan phát thanh và truyền hình nhà nước Phần Lan, đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến của các nghị sĩ Phần Lan về việc cần khôi phục lại các lớp học đặc biệt dành cho học sinh cần giáo dục thêm. Kết quả là 74% nghị sĩ cho rằng cần phải khôi phục lại các lớp này như trước năm 2010 để “không học sinh nào phải ở lại phía sau”.
Võ Xuân Quế (Theo Helsingin Sanomas và Yle)
Giáo dục "bốn chấm không": Phần Lan chú trọng dạy thủ công
Ở Phần Lan, ít nhất những điều cơ bản về đan và khoan điện đều quen thuộc với mọi người. Điều này là nhờ một thế kỷ rưỡi của giáo dục thủ công trong trường học.
">