Thời gian gần đây, trong khi nhiều nước vẫn đang chạy đua trong việc sở hữu số lượng vắc-xin Covid-19 nhiều nhất có thể, thì một số quốc gia lại đang hạn chế tối đa việc sử dụng vắc-xin của Oxford-AstraZeneca (AZ) và Johnson & Johnson (J&J).Điều này dẫn đến tình trạng nhiều nước từng đặt mua một số lượng lớn vắc-xin, nhưng lại không thể đem chúng ra sử dụng. Và việc thanh lý những liều vắc-xin dư thừa đang trở thành bài toán mới khiến những nước này phải "đau đầu".
Điều đang thực sự xảy ra
Theo trang tin BBC, nguyên nhân xuất phát từ những lo ngại về các ca nhiễm chứng đông máu bất thường hiếm gặp, và đôi khi còn gây nguy cơ gây tử vong, sau khi được tiêm dù chỉ một liều vắc-xin AZ và J&J. Mối lo ngại này ngày càng lớn, đặc biệt ở những đối tượng trẻ tuổi.
|
Số lượng vắc-xin Covid-19 ế thừa đang khiến nhiều nước "đau đầu". Ảnh: AP |
Dựa trên số liệu của cơ quan quản lý dược phẩm Anh, cứ 10 triệu người giả định được tiêm vắc-xin AZ, thì có khoảng 40 người bị mắc chứng đông máu bất thường, trong đó 10 người có nguy cơ tử vong. Tỷ lệ này tương đương với nguy cơ tử vong bởi các vụ giết người hoặc tai nạn đường bộ tại Anh trong năm 2018.
Đó là lý do cơ quan y tế Đan Mạch quyết định ngừng sử dụng vắc-xin AZ để đối phó với "nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng". Quyết định này đồng nghĩa với việc 2,4 triệu liều vắc-xin AZ chưa qua sử dụng tại Đan Mạch có nguy cơ bị thu hồi. Nam Phi cũng đình chỉ việc phân phối loại vắc-xin này, do chúng bị cho là ít hiệu quả trong việc đề kháng các biến chủng.
Hoàn cảnh tương tự cũng xảy ra đối với loại vắc-xin Covid-19 một liều của J&J. Cho đến khi hoàn tất việc điều tra và kiểm định an toàn, loại vắc-xin này vẫn sẽ chưa được phép sử dụng ở Mỹ, nước đã đặt mua trước 100 triệu liều.
Số vắc-xin 'tồn kho'
Dù chưa có số liệu tổng quan trên toàn cầu, nhưng dữ liệu của từng quốc gia cũng có thể đem lại một cái nhìn tổng quan về tình trạng dư thừa vắc-xin ở thời điểm hiện tại.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trung bình có hơn 20% số lượng vắc-xin trên toàn nước Mỹ là chưa qua sử dụng. Tuy nhiên, một số tiểu bang còn vượt quá tỷ lệ này như Alabama (37%), Alaska (35%), Vermont (27%) và Bắc Carolina (24%).
Hoàn cảnh tương tự cũng đang diễn ra ở châu Âu, nơi một số quốc gia đã ban hành những hạn chế trong việc tiêm vắc-xin AZ và J&J đối với những người lớn tuổi. Số liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDP) cho thấy trong tổng số 202.920 liều vắc-xin AZ mới được Đan Mạch tiếp nhận trong ngày 15/4, 150.671 liều được phân phối cho tiêm chủng.
|
Giám đốc y tế Đan Mạch Soeren Brostroem cho biết thu hồi vắc-xin AZ là một quyết định "khó khăn". Ảnh: EPA |
Tìm giải pháp thanh lý
Về lý thuyết, các quốc gia vẫn có thể bán hoặc tặng các loại vắc-xin mà họ không còn sử dụng cho những nước khác. Hôm 15/4, Hans Kluge, Giám đốc châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng Đan Mạch đang tìm cách làm điều này.
“Tôi hiểu rằng Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã sẵn sàng hoặc đang xem xét các phương án để chia sẻ vắc-xin AstraZeneca với các nước nghèo hơn”, Kluge nói trong một cuộc họp báo.
Ở chiều ngược lại, nhiều nước láng giềng với Đan Mạch cũng đề nghị mua lại. Thủ tướng Lít-va Ingrida Simonyte đã ngỏ ý sẵn sàng tiếp nhận một lượng lớn vắc-xin AZ với Đan Mạch. Bộ trưởng Nội vụ CH Séc Jan Hamacek cũng cho biết, ông đã chỉ thị một nhà ngoại giao tuyên bố sự quan tâm của nước này trong việc "mua tất cả vắc-xin AZ từ Đan Mạch".
Dù vậy, Copenhagen vẫn chưa đưa ra bình luận hay phản ứng nào trước những yêu cầu trên. Trong thời gian chờ đợi, số vắc-xin vẫn cất trong kho lạnh và không hẹn ngày đem ra sử dụng.
Chia sẻ ra thế giới
Hiện Covax được xem là con đường khả thi nhất để nhiều nước phân phối số vắc-xin dư thừa ra thế giới. Với sứ mệnh chia sẻ vắc-xin công bằng giữa các quốc gia, không phân biệt giàu nghèo, Covax đặt mục đến cuối 2021 sẽ cung cấp hơn 2 tỷ liều cho người dân ở 190 nước.
|
Ảnh: Reuters |
Một số quốc gia phát triển cũng lên kế hoạch phân phối vắc-xin thừa của riêng mình. Chẳng hạn như Anh, nước đang sở hữu khoảng 450 triệu liều vắc-xin, cam kết sẽ tài trợ phần lớn nguồn vắc-xin "thặng dư" cho các nước nghèo hơn. Hơn 1 triệu liều vắc-xin AZ bị Nam Phi thu hồi đã được phân phối cho 14 quốc gia châu Phi khác.
Dù chưa công bố cụ thể thời gian hay bao nhiêu liều vắc-xin sẽ được phân phối, song điều này cho thấy ít nhất ở thời điểm hiện tại, các nước phát triển vẫn có trách nhiệm trong việc chia sẻ vắc-xin dư thừa của mình ra thế giới, thông qua những chương trình như Covax.
Trả lời BBC, đại diện Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng cho biết: "Trong tình cảnh nguồn cung vắc-xin đang ngày một hạn chế trong thời gian tới, các liều vắc-xin được quyên góp từ các quốc gia dư thừa và được phân bổ công bằng thông qua Covax sẽ là giải pháp quan trọng, để có được sự tiếp cận vắc-xin công bằng và nhanh chóng trên toàn cầu.
Chúng tôi đang nói chuyện với một số nền kinh tế thu nhập cao về việc chia sẻ vắc-xin dư thừa của họ, và kỳ vọng họ sẽ sớm công bố các thỏa thuận".
Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam yêu cầu các địa phương phải tiêm xong vắc-xin đợt 2 (811.200 liều do COVAX Facility cung cấp) trước ngày 5/5/2021.
Việt Nam đến nay đã nhận được hơn 900.000 liều vắc-xin AstraZeneca, trong đó có 117.600 liều đặt mua qua VNVC, về ngày 24/2 vừa qua và 811.200 liều do Covax phân phối ngày 1/4.
Lô vắc-xin đợt 1, Việt Nam đã tiêm xong tại 19 tỉnh. Lô vắc-xin của Covax đã phân phối đến 63 tỉnh thành và các địa phương đang triển khai tiêm chủng. Tính đến hết ngày 19/4, Việt Nam đã tiêm được cho 80.857 người.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu, với 811.200 liều vắc-xin Covax mới nhận, các địa phương phải hoàn tất tiêm xong trước 5/5 thay vì 15/5 như kế hoạch ban đầu. Vắc-xin AstraZeneca có hạn dùng 6 tháng, lô về Việt Nam sẽ hết hạn ngày 30/5.
Covax cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều vắc-xin AstraZeneca trong cả năm nay và đầu năm 2022 để tiêm đủ cho 20% dân số. Từ nay đến cuối tháng 5, Việt Nam sẽ nhận thêm gần 3,4 triệu liều vắc-xin của Covax.
Ngoài nguồn vắc-xin Covax, Việt Nam cũng đặt mua thêm 30 triệu liều AstraZeneca và đang tiếp tục đàm phán với các hãng Pfizer, Sputnik V, Moderna… để có thêm vắc-xin với mục tiêu có đủ 150 triệu liều trong năm nay.
Tại Nghị quyết số 45 ngày 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 khẩn trương, an toàn tuyệt đối, dứt khoát không để tình trạng vắc-xin không được tiêm kịp thời, phải hủy bỏ.
Thúy Hạnh">