
Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá truyền thống trong học sinh độ tuổi từ 13 đến 15 giảm nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng lên. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Sử dụng chất và y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết, nếu trẻ hút thuốc lá điện tử khi 10-15 tuổi, não chưa hoàn thiện, khó kiểm soát cảm xúc. Vùng não tổn thương sẽ khiến người hút khó từ chối các chất gây nghiện khác. Nhiều học sinh lớp 4-5 đã hút thuốc lá điện tử.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay đơn vị này từng tiếp nhận những bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử khi chỉ mới học cấp 2, vào viện cấp cứu trong tình trạng sùi bọt mép, kích thích vật vã, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê, tổn thương não, tổn thương tim, suy tim cấp...
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đăng Xoay, khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em là đối tượng nguy cơ cao dễ bị ngộ độc do uống hoặc nuốt dung dịch sử dụng thuốc lá điện tử.
Bác sĩ Xoay dẫn thông tin từ Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, gần đây tội phạm ma tuý đã chế tạo những chất ma tuý mới chưa có trong danh mục cấm đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử, dùng dụng cụ thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép.
Các chất ma tuý mới bao gồm: 1eP-LDS, 2-FMA, 3-FEA, 3-MMC, MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA, 4F-MDMB-BUTICA, 4F-ABUTINACA. Các chất ma tuý này khi sử dụng sẽ gây ảo giác, có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và những người xung quanh không may uống nhầm.
"Thành phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi", bác sĩ Xoay cho biết.
Trẻ em không may nuốt, uống, hoặc hấp phụ lượng lớn nicotine có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nôn ói, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, đau bụng, da tái nhợt, vã mồ hôi, tăng huyết áp, thở nhanh, mất kiểm soát cơ thể, mất cân bằng không thể đi lại, run tay, co giật.
Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong.
"Chúng ta cần cẩn trọng cả với những sản phẩm bao bì ghi không chứa nicotine nhưng thực chất chúng vẫn có", bác sĩ Xoay lưu ý. Ngoài ra trong thuốc lá điện tử còn chứa các chất hoá học phụ gia như methyl salicylate, glycerin, hay propylence glycol. Đây là các hoá chất có thể gây ung thư hoặc tổn thương phổi.
Trong một số tình huống ít gặp hơn, pin của thuốc lá điện tử có thể cháy nổ và gây bỏng cho người sử dụng.
Thuốc lá điện tử được sản xuất với rất nhiều hình dạng và kích cỡ, hoặc chúng được sản xuất giống thuốc lá thông thường, xì gà, hoặc ống hút, hoặc gần giống vật dụng hàng ngày gây tò mò và hấp dẫn người sử dụng như đồ chơi, thỏi son, USB...
Từ các vụ tai nạn gây ra gần đây cho trẻ em liên quan đến thuốc lá điện tử, đặc biệt là ngộ độc các chất ma tuý mới, các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ chú ý hơn nữa đến việc chăm sóc con trẻ, không cho trẻ tiếp xúc gần cũng như sử dụng các chế phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử.
Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ nam giới từ 15 tuổi trở lên sử dụng thuốc lá dưới 39%Giai đoạn 2023-2025, Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%." alt="Trẻ em là đối tượng nguy cơ cao dễ bị ngộ độc thuốc lá điện tử"/>