Ảnh: Nguyễn HuếLãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, Sở Thông tin và truyền thông cần đề xuất xây dựng các chương trình, phát triển các sản phẩm về chuyển đổi số trong năm tới một cách cụ thể, thiết thực và bài bản với kim chỉ nam là Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy; định hướng chọn lĩnh vực, sản phẩm để phát triển chuyển đổi số.
Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và truyền thông xây dựng phương án, chương trình học tập kinh nghiệm trong nước và ngoài nước cụ thể, phù hợp; triển khai tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng số, tạo động lực cho các đội ngũ nhân lực về chuyển đổi số tại các địa phương.
Tỉnh chú trọng đẩy mạnh phát triển 3 trụ cột của chuyển đổi số, trong đó xây dựng chính quyền số là nền tảng để thúc đẩy xã hội số và kinh tế số.
Thời gian qua, để xây dựng chính quyền số, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số. Trong đó, hạ tầng viễn thông cố định, hạ tầng viễn thông di động, hạ tầng Internet băng thông rộng đã được phủ tới 100% các xã/phường, huyện/thành phố.
Theo thống kê, có khoảng 90% dân số trưởng thành có điện thoại di động thông minh. Đây là yếu tố thuận lợi để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính qua mạng.
Ngoài các cơ sở dữ liệu đã được hình thành, đang hoàn thiện, tỉnh đã triển khai Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Đồng Nai kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh (IOC) tỉnh Đồng Nai.
Hệ thống quản lý văn bản của tỉnh được kết nối với hệ thống quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tháng 3/2022, Đồng Nai triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã ở 3 xã: Long Phước (huyện Long Thành), Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) và Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc). Cả 3 xã này đều có doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông đồng hành hỗ trợ. Đến nay, chỉ tiêu hạ tầng số ở 3 xã trên đạt 50%; hoạt động chính quyền số đạt 30% và hoạt động kinh tế số mới đạt 10%.
Các địa phương này cũng đẩy mạnh các tiêu chí trong hoạt động chính quyền số như: nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức về chuyển đổi số; hệ thống quản lý văn bản điều hành công việc; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; kênh giao tiếp giữa chính quyền và người dân; hệ thống công nghệ thông tin quản lý dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục.
Thành phố Biên Hòa là địa phương đạt được nhiều kết quả trong công tác chuyển đổi số, đưa Trung tâm điều hành thông minh tỉnh vào hoạt động. Sau 2 năm đi vào hoạt động, IOC TP.Biên Hòa đã đạt được một số chuyển biến tích cực, đem lại nhiều tiện ích cho cấp quản lý và người dân.
Hiện, IOC của thành phố đã và đang tổng hợp, phân tích dữ liệu của các ngành; sau đó hiển thị lên biểu đồ, tạo thành các luồng dữ liệu có tính thời sự, giúp lãnh đạo thành phố theo dõi được các chỉ số quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội. Từ các dữ liệu này, lãnh đạo thành phố có phương án chỉ đạo hợp lý với từng lĩnh vực và phân tích, thống kê, đưa ra những chỉ đạo chung kịp thời.
Một số phân hệ hữu ích mà IOC thành phố Biên Hòa mang lại như: tích hợp tín hiệu camera phục vụ cho việc giám sát, điều hành về an ninh trật tự, an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ người dân qua Tổng đài 1022 và phân hệ phản ánh hiện trường.
Đình Sơn
">