- Bị người đàn ông lạ mặt giả vờ hỏi đường rồi tìm cách xâm hại tình dục, Lương vô cùng hoảng loạn. Chạy về nhà trong tình trạng quần áo lấm lem bùn đất, em nói trong nước mắt: "Mẹ ơi, con bị lừa rồi".Trong nhiều năm tiếp xúc với trẻ em bị xâm hại tình dục, Ths.Bs. Đỗ Minh Loan, Phó trưởng ban Điều hành chuyên môn lâm sàng bảo vệ trẻ em bị xâm hại, BV Nhi Trung ương, cho biết, khi các em càng lớn tuổi những tổn thương tâm lý sau khi bị xâm hại càng nặng nề.
Một trường hợp điển hình mà BV Nhi Trung ương tiếp nhận là em Đàm Thị Lương, SN 1999, ở Hải Phòng. Em được đưa đến bệnh viện một khoảng thời gian khá lâu sau khi bị xâm hại tuy nhiên, di chứng về tâm lý vẫn còn rất nặng nề.
Ths.Bs Loan kể, lúc tiếp xúc ở bệnh viện, các bác sĩ ấn tượng em là một cô bé xinh xắn nhưng có xu hướng khép mình, khó khăn trong giao tiếp. Em né tránh ánh mắt của người đối diện, chỉ trả lời ngắn nhưng câu hỏi và trả lời bằng viết tốt hơn là lời nói.
Theo người nhà cho biết, Lương là một học sinh giỏi văn. Em có cuộc sống hồn nhiên chan hòa với bạn bè nhưng tất cả đều chấm dứt từ sau ngày em bị kẻ xấu hãm hại.Trong quá trình trò chuyện với bác sĩ, nét mặt em căng thẳng mệt mỏi nhiều lúc gần như muốn khóc và đã bật khóc khi được bác sĩ gợi ý viết 3 điều mong ước, 3 điều lo sợ.
Chuyện xảy ra vào khoảng sau 10 giờ tối một tháng mùa đông, năm 2013, khi em 14 tuổi. Lúc này Lương đạp xe sang nhà bạn để học bài. Vừa về đến đầu ngõ, em thấy một người đàn ông đi xe máy lạ mặt đi cùng chiều tiến đến gần. Người đàn ông này cho xe chạy chậm lại và đi theo xe em.
Khi em đang bất ngờ thì ông ta lên tiếng: "Cháu là người làng này à? Chú đang tìm nhà của ông A. nhưng không nhớ đường. Cháu đưa chú đi được không?".
Muốn giúp đỡ người đàn ông trời tối, lạnh chưa tìm được nhà người thân, Lương gật đầu. Em dẫn người đàn ông đi đến nhà kia. Trên đường đi, qua đoạn vắng người qua lại, người lạ mặt kia hiện nguyên hình là một yêu râu xanh. Hắn bóp cổ rồi hãm hại em ngay bên vệ đường mặc dù em van xin, gào thét.
Chia sẻ với bác sĩ, mẹ Lương kể lại: "Lúc đó trời tối mà chưa thấy con về nên tôi cũng lo lo. Đang chuẩn bị đi tìm con thì tôi thấy cháu về bộ dạng thất thần, quần áo xộc xệch. Cháu khóc và nói với mẹ: "Mẹ ơi con bị lừa rồi".
Lúc đó khoảng 10h tối, mẹ em hỏi chuyện em vừa khóc vừa kể, vẫn chưa hết hoảng loạn. Ngày hôm sau, gia đình em báo công an. Tại đây em được chỉ định đi khám tại BV Phụ sản Hải Phòng. Kết quả khám cho thấy em không có tổn thương đặc biệt. Tuy nhiên, từ sau khi bị xâm hại, cuộc sống của Lương có nhiều biến động.
Em sống khép mình, không dám đến trường. Từ chỗ là một học sinh giỏi, nằm trong đội tuyển bồi dưỡng HSG văn em đã phải bỏ giữa chừng vì không thể học tập thường xuyên.
Khi về nhà, hằng đêm em có những cơn ác mộng khủng khiếp. Mẹ Lương cho biết, nhiều đêm đang ngủ em khóc thét lên, sợ hãi. Em mất ngủ triền miên phải uống thuốc an thần theo đơn kê của bác sĩ bệnh viện tư nhân.
Cuối cùng gia đình phải đưa em đến BV Nhi Trung ương. Trong bài test (kiểm tra) tâm lý, các bác sĩ đánh giá em bị tổn thương tâm lý nặng.
Khi được hỏi về 3 điều ước, em viết: ước quên đi chuyện quá khứ, muốn được bố me quan tâm nhiều hơn và em ước được học sinh giỏi. 3 điều khiến em sợ hãi có điều là lo sợ phải nhớ lại chuyện cũ và gặp ác mộng hằng đêm.
Cũng trong bảng kiểm tra này, em đã tích vào dòng chữ: "Tôi chẳng thấy có gì hi vọng về tương lai của mình".
Ths.Bs Loan cho biết, hoàn cảnh của gia đình em cũng khá đặc biệt, bố em vào Tây Nguyên làm kinh tế từ khi em còn nhỏ. Em ở cùng mẹ nhưng mỗi năm 2 lần mẹ vào Đắc Lắc cùng bố để thu hoạch cà phê. Khoảng thời gian này, em sống cùng với người thím (vợ của bác ruột).
Sau khi kiểm tra, em được điều trị ngoại trú. Gia đình có đưa em đến bệnh viện tái khám.
Ths.Bs Loan cho biết thêm, tại Việt Nam, những tổn thương tâm lý sau khi trẻ gặp khủng hoảng chưa được cha mẹ quan tâm đúng mức. Khi trẻ bị xâm hại, đa số phụ huynh lo lắng về điều tiếng, về tổn thương thể xác hơn là những chấn động về hiện tại và sau này trong cảm xúc, suy nghĩ của trẻ.
Cũng theo Ths.Bs Đỗ Minh Loan, thời điểm này, người thân là điểm tựa lớn nhất để trẻ vượt qua mặc cảm.
Phụ huynh nên giúp trẻ giải phóng nỗi lo lắng bằng cách trò chuyện, động viên. Họ có thể đưa con đến gặp chuyên viên tâm lý nhờ giúp để trở lại cuộc sống bình thường.
Việc giải quyết tâm lý cho trẻ khi xảy ra sự việc là một trong những công việc cần giải quyết sớm nhất và quan trọng nhất.
* Tên nhân vật nữ được thay đổi