PGS Nguyễn Thời Trung sinh năm 1976, tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng từ năm 2010 và nay là Viện trưởng Viện khoa học tính toán của trường này. Tới 2014, TS Nguyễn Thời Trung được Nhà nước công nhận chức danh phó giáo sư, còn nhà trường đã phong chức vụ giáo sư cho ông.Cộng 3 điểm nhưng vẫn thi trượt lớp 10 công lập
PGS Nguyễn Thời Trung bảo việc học của ông không trôi chảy như thống kê bởi có lúc đã gấp sách.
Đang học học cấp 2 thì ba qua đời, để lại một mình mẹ nuôi 3 anh em (PGS Trung và hai em gái). Cậu bé lớp 7 một buổi tới trường, buổi còn lại ra chợ Tân Bình phụ mẹ bán quần áo . Bị hút kiếm tiền từ một học sinh giỏi của Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Trung học chểnh mảng và cuối khoa thì "trượt đau đớn" trong kỳ thi lớp 10 công lập vào Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền.
PGS Trung bảo ông học tốt nhưng không dành thời gian nhiều cho việc này. Khi bạn bè ôn luyện thì Trung miệt mài đứng bán quần áo. Khi cả trường sắp thi chuyển cấp Trung mới nhận được tin bạn báo.
Đam mê kiếm tiền, cái giá Trung phải trả là được cộng 3 điểm nhưng vẫn thiếu 0,25 vào lớp 10 công lập. Trung học hệ B trong khi bạn bè đều học hệ A, không tìm được niềm hứng khởi nên quyết định học cầm chừng khi sang lớp 11.
Theo PGS Trung, anh từng nghĩ bỏ học là kết thúc con đường này nhưng mọi sự bừng tỉnh khi tình cờ đọc cuốn sách "Đánh thức con người phi thường trong bạn".
"Tôi về nói với mẹ đã nhìn thấy con đường và xin học lại. Những ngày sau đó, tôi tập trung học dù đã mất gần hết căn bản. Quả ngọt cũng tới khi cuối cấp tôi thi đỗ 4 trường đại học"- anh kể.
Quyết định học cả Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Tự nhiên, anh bảo điều may mắn là có thời gian lăn lộn nên thành một người độc lập, quyết tâm.
Lúc đó, lớp ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên có 300 sinh viên nhưng sau năm đầu tiên chỉ còn 20 người, trong đó anh. Hơn 280 sinh viên bị rớt và bỏ học là con số khủng khiếp mà bất cứ sinh viên nào còn lại cũng nghĩ sẽ có lúc rơi vào mình. Không đủ người học, nhà trường chuyển thời gian đào tạo từ đêm sang ngày. Nguyễn Thời Trung cùng lúc vật lộn học hai trường vào ban ngày và đều tốt nghiệp xuất sắc.
Chuyến đi Bỉ đầu tiên đặt mục tiêu cho tân kỹ sư phải được ra nước ngoài học tập. "Tôi đã chuẩn bị, nhưng điểm yếu vẫn là tiếng Anh. Tôi vùng vẫy mãi và bị rớt ở phần nghe. Giữa lúc đó, một thầy giáo nói rằng cách tốt nhất để học là đi dạy người khác. Tôi mạnh dạn dạy kèm người khác và kiến thức cứ vào đầu lúc nào không hay"- anh kể.
Điều thú vị là đã học xong tiến sĩ ở nước ngoài, anh Trung quay lại học đại học ngành Triết- một ngành đối lập hoàn toàn với lĩnh vực mà anh nghiên cứu.
"Tôi muốn mình có nhiều cách nhìn mới . Ba vợ tôi - một thầy thuốc đông y nhưng nghiên cứu phật pháp nói rằng, con hãy học để khi nói chuyện với ai đó về quan điểm chính trị thì cũng có một "level" để sẵn sàng"- anh kể.
Mẹ nhường ngôi nhà cho con nghiên cứu
Nguyễn Thời Trung bảo anh may mắn khi về nước nghiên cứu cùng thời điểm Bộ Khoa học công nghệ có quỹ Nafosted hỗ trợ. Nhờ quỹ, anh có tiền lập nhóm và nuôi quân. Người mẹ bán quần áo lúc này sẵn sàng nhường căn nhà ở quận 11 để con làm văn phòng.
"Khó khăn lớn nhất là tài chính. Có những lúc, tôi không có tiền trả cho sinh viên nhưng gia đình luôn động viên hãy cố gắng. Mẹ cho mượn căn nhà, còn vợ thì động viên chồng cứ làm việc mình thích"- anh kể.
Tới năm 2010, anh Trung cùng với người bạn đồng khóa Nguyễn Xuân Hùng (PGS Nguyễn Xuân Hùng) được Trường ĐH Tôn Đức Thắng mời về xây dựng nhóm nghiên cứu đầu tiên. Với những công bố tốt, nhóm của anh tạo được ấn tượng, được cấp phòng, cấp đồ, máy tính làm việc.
Ở tuổi 43, Nguyễn Thời Trung hiện tại là chuyên gia về cơ học tính toán. Trong lĩnh vực khoa học, anh có nhiều đóng góp và cách tân trong chuyên ngành ở đẳng cấp quốc tế. Những đóng góp về phân tích cấu trúc, tối ưu hoá và 'tính toán thông minh' (intelligent computation) đã gây ảnh hưởng trong chuyên ngành. Tính đến na, anh đã công bố hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san khoa học có uy tín cao được liệt kê trong Cơ sở dữ liệu ISI của Mỹ.
Theo Cơ sở dữ liệu Scopus của Hà Lan, anh Trung có hơn 5.000 trích dẫn và vừa lọt tốp 100.000 nhà khoa học thế giới có trích dẫn nhiều nhất.
"Tôi được người ba quá cố gieo ước mơ từ lúc còn nhỏ. Còn tôi như hôm nay một phần từ người mẹ tần tảo. Lúc ba mất, gia đình khánh kiệt, nợ nần chồng chất, mẹ suy sụp nhưng vẫn cố gắng nuôi con ăn học. Có lúc, tôi thấy mẹ cô đơn nhưng bà luôn nhắc lời ba cho tôi nghe rằng "ba muốn con học, vì vậy con hãy cố gắng". Một người phụ nữ góa chồng và nuôi 3 người con thật kiên cường. Từ khánh kiệt, mẹ vực lại kinh tế và làm điểm tựa cho tôi. Tới giây phút này, mẹ chưa bao giờ kêu tôi phải làm gì cho bà. Ngược lại, bà luôn âm thầm đứng sau tôi đặc biệt về tài chính. Mẹ bảo "con làm đi cần gì nói với mẹ" - PGS Trung nói đầy tự hào.
Điều PGS Trung ấp ủ hiện nay là đánh thức tâm hồn trong giảng viên và sinh viên mà anh nói là "gieo hạt". Suy nghĩ này của anh xuất phát từ việc có rất nhiều sinh viên chọn sai ngành, không có động lực học tập nên ra trường rồi thất nghiệp. Giảng viên vì cuộc sống mà mải miết chạy "sô" giảng dạy, mất hết nhiệt huyết.
"Trường ĐH chỉ bảo chứng một tỉ lệ rất nhỏ cho việc làm nên sinh viên thất nghiệp vì năng lực chứ không phải bằng cấp. Tôi muốn đánh thức khả năng này trong các bạn như tôi ngày xưa. Ngoài nghiên cứu, tôi sẽ tìm cách đánh thức tâm hồn họ chứ không cần cao siêu"- anh nói.
Năm 1999, tốt nghiệp kỹ sư tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM; Năm 2001, tốt nghiệp cử nhân về toán ứng dụng và khoa học máy tính tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM; Năm 2003, tốt nghiệp thạc sĩ khoa học máy tính của trường này và năm 2010 tốt nghiệp tiến sĩ cơ học ĐH quốc gia Singapore; Năm 2015, tốt nghiệp cử nhân triết học tại Trường ĐH KHXH NV TP.HCM... |
Lê Huyền
10 nhà khoa học Việt Nam có trích dẫn nhiều trên thế giới
Thông tin này do TS. Lê Văn Út, Trưởng phòng Phòng Quản lý Phát triển Khoa học Công nghệ và Trưởng nhóm nghiên cứu trắc lương thông tin, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cung cấp.
">