Khám phá của chuyên gia khoa học dưới đây đã góp phần tạo ra một bước tiến cách mạng trong quá trình nghiên cứu về lĩnh vực liên quan đến giác quan kỳ bí này của con người.Một nghiên cứu tại Mỹ đã đưa ra kết luận, thông tin sửng sốt trong cộng đồng khoa học, về việc ông đã khám phá ra bằng chứng liên quan đến “giác quan thứ sáu” của con người - một khả năng vượt xa những khái niệm thường thấy, cho phép chúng ta nhận biết được những hiện tượng sự vật xung quanh, thậm chí cả chưa xảy ra, chỉ dựa vào tiềm thức sâu thẳm bên trong.
Ở đây, ông cho rằng con người bước đầu đã có thể cảm nhận được từ trường của Trái Đất.
Thực tế, khả năng này không còn là một điều quá xa lạ đối với các loài chim, côn trùng hay ngay cả một số loài động vật khác, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chúng định hướng và tuân theo thói quen di cư. Còn hiện tại, nhà địa vật lý Joe Kirschvink đến từ Học viện Công nghệ California lại khẳng định con người, lần đầu tiên trong lịch sử, đã có một bước tiến đáng kể tương tự trong chính sự phát triển và tiến hóa của mình.
Trên hết, Kirschvink cũng nhấn mạnh rằng kết quả nghiên cứu của ông hoàn toàn có thể được tái diễn và kiểm định lại một cách xác thực nhất thông qua những thí nghiệm - điều mà hàng loạt những công bố được cho là cũng phát hiện ra năng lực cảm nhận từ trường ở con người trước đó chưa thể làm được.
“Buổi thuyết trình của tôi diễn ra khá suôn sẻ,” Kirschvink trao đổi với Eric Hand đến từ thời báo Khoa học, sau khi đứng lên phát biểu trước Học viện Hàng hải Hoàng gia vào tháng 4 vừa qua tại Vương quốc Anh. “Chắc chắn rồi. Nhân loại thật sự đã đạt đến một tầm cao mới.”
Làm rõ hơn cho điều này, Kirschvink cho biết ông mới chỉ trải qua quá trình nghiên cứu trong một thời gian ngắn cùng với 24 thành viên khác cũng tham gia mà đã thu được thành quả đáng kinh ngạc như vậy. Dù sao công trình luận án của ông vẫn đang còn dang dở và chưa đến công đoạn hoàn thành, vì vậy vẫn chưa có những đánh giá chi tiết chính thức từ giới chuyên gia trên thế giới.
Tóm lại, tạm thời chúng ta có thể công nhận những kết quả ban đầu đến từ dự án nghiên cứu của ông là vậy. Nhưng hãy nhìn về một tương lai xán lạn, tươi sáng hơn khi Kirschvink vừa nhận được một khoản tài trợ lên đến 900.000 USD, đồng thời được mời đến hợp tác và làm việc tại Nhật Bản và New Zealand để giúp hoàn thành những nỗ lực, cố gắng của mình. Điều này cũng giúp cho giới khoa học nói chung thêm tin tưởng vào sự xác thực của khả năng này bên trong mỗi con người.
“Joe là một người rất tài giỏi, dày dạn kinh nghiệm cũng như chu đáo, cẩn thận trong mọi việc mình làm,” Peter Hore, nhà hóa lý học từ Đại học Oxford đồng thời là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cảm biến từ trường, nhận xét. “Anh ấy đã không đề cập đến nghiên cứu của mình trong buổi gặp mặt nếu chưa thực sự cảm thấy chắc chắn rằng mình đang đi đúng con đường. Và đó là một trong những đức tính mà rất ít người trên thế giới có được.”
Vậy làm cách nào con người có thể tự nhận biết được từ trường trong khi không thể thấy được bằng mắt thường? Chắc hẳn chúng ta cũng từng nghe đến việc không chỉ loài chim hay bướm, mà cả những động vật như chó cũng sử dụng khả năng này để đánh dấu lãnh thổ theo một trục dọc theo hướng bắc-nam, cũng như cách mà chuột rừng và chuột chù xây dựng hệ thống đường ngầm trong tổ của mình. Tuy nhiên, đã có nhiều quan điểm trái chiều được đưa ra dựa trên những bằng chứng khoa học này.
Hiện tại, hai giả thuyết được cho là hợp lý nhất được đặt ra để giải thích cho nền tảng sinh học cơ sở của quy trình cảm nhận được từ trường: Điều thứ nhất liên quan tới nhận định rằng từ trường của Trái Đất có thể kích thích những phản ứng lượng tử trong một loại protein có tên cryptochrome. Protein này được tìm thấy ở võng mạc của chim, chó, và thậm chí cả con người, nhưng còn khía cạnh làm thế nào chúng truyền thông tin, dữ liệu liên quan đến từ trường để não nhận biết thì vẫn còn là một câu hỏi bị bỏ ngỏ.
Giả thuyết còn lại liên quan tới những tế bào thụ giác trong cơ thể có chứa một thành phần như “kim chỉ nam”, được cấu tạo từ những khoáng chất sắt từ (magnetite), giúp chủ thể nhận biết được từ trường Trái Đất. Những khoáng chất trên cũng được tìm thấy ở các tế bào tạo nên mỏ chim hay mũi cá hồi, nhưng đáng buồn thay, cách thức hoạt động và vận hành chi tiết vẫn không được giải thích cặn kẽ.
Về phần Kirschvink, ông đứng về phía nhận định thứ hai nhiều hơn, nhưng mục đích từ sâu thẳm bên trong của mình không phải là tiếp tục đi tìm câu trả lời cho thắc mắc còn dang dở, mà là chứng tỏ rằng khả năng trên ở con người hoàn toàn đã xuất hiện ngay từ thuở ban đầu. Thách thức ngăn cản nhiều nỗ lực trước đó của giới khoa học là những thí nghiệm trong quá khứ không thể được tái diễn để chứng minh kết quả.
Do đó, để khắc phục điểm yếu này, Kirschvink đã áp dụng thiết kế “Lồng Faraday” - một khung nhôm mỏng có thể lọc từ trường ở bên ngoài bằng những vòng dây xoắn ốc - và đặt nó tại tầng thứ 2 bên dưới lòng đất tại Caltech. Bên trong chiếc lồng, ta có thể ngồi ở điểm mốc, chỉ chịu ảnh hưởng của duy nhất những từ trường “thuần túy”, không có bất kỳ một sự quấy rầy hay kích thích, tác động nào hết.
|
Lồng Faraday (ảnh minh họa) |
Những người đồng ý tham gia cuộc thử nghiệm này sẽ được kết nối với một máy đo điện tâm đồ (EEG) của não bộ, sau đó Kirschvink sẽ phát ra một từ trường xoay hai chiều giống như Trái Đất, để theo dõi xem có biến chuyển, phản ứng gì đến từ bộ não của con người hay không.
Cuối cùng, kết quả đã khiến toàn bộ đội ngũ phải bất ngờ: Khi từ trường phát ra được xoay theo chiều kim đồng hồ, đường biểu thị sóng não alpha của họ có một sự giảm nhẹ.
“Hiện tượng của sóng alpha đo được tại máy EEG đã chỉ ra rằng một nhóm các neuron thần kinh thực sự phản ứng lại với ảnh hưởng của từ trường,” trích lời của Eric Hand trên báo Khoa học.
Nhưng hơn cả như vậy, đã có một sự trì hoãn “ngập ngừng” nhẹ, chỉ khoảng vài mili giây, trước khi phản hồi của neuron được thực hiện, mà theo Kirschvink, điều đó chứng tỏ đây là một tín hiệu chủ động của não bộ con người.
Cũng theo Kirschvink, những kết quả tương tự cũng thu được khi từ trường tạo ra được xoay theo chiều hướng xuống mặt sàn, nhưng lại không phản ứng khi hướng lên trên hay ngược chiều kim đồng hồ - vốn là chiều cố hữu của hệ thống “kim chỉ nam” bên trong cơ thể chúng ta như đã đề cập phía trên.
Vẫn còn rất nhiều công việc và thử thách đang chờ đợi phía trước. Một nhóm các nhà khoa học ở Nhật Bản đang thử mô phỏng lại thí nghiệm trên, đồng thời một phòng nghiên cứu tại New Zealand cũng nỗ lực áp dụng phương thức này vào công cuộc khám phá và phát triển khoa học. Dù sao thì mọi thành tựu cuối cùng cũng cần đến những phân tích, đánh giá kỹ lưỡng từ toàn thể cộng đồng chuyên gia trước khi có thể được công nhận chính thức.
Còn cả một chặng đường dài đang chờ đợi phía trước, nhưng nhờ những phát kiến và bước ngoặt đột phá trên mà chúng ta mới nhận ra một điều thú vị rằng giác quan thứ sáu ở con người là hoàn toàn có cơ sở. “Nền móng của khả năng này vốn đã là một phần trong lịch sử tiến hóa của nhân loại,” chia sẻ bởi Kirschvink.
Theo Trí thức trẻ/ScienceAlert
">